Cần xem lại cơ quan này kiến nghị Chính phủ những gì: Thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP (ngày 13-11-2013) nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, áp dụng từ ngày 15-3-2015, cụ thể: Người điều khiển ô tô, xe máy mà có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện...
Chủ thể đề xuất kỳ vọng thay vì tạm giữ phương tiện hay phạt tiền, tịch thu phương tiện tức là đánh mạnh vào túi tiền của người vi phạm, nhờ đó có tác dụng răn đe, giúp ngăn chặn được tình trạng say rượu, bia mà vẫn lái xe vốn trước nay thường xuyên gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc.
Chính đáng như vậy, sao bị phản đối? Đó là bởi quan ngại sẽ làm tổn hại đến tài sản công dân, đó là vì nguy cơ vướng luật và hàng loạt rắc rối khác…
Phản đối nhưng không đưa ra được biện pháp khả dĩ nào khác! Trong khi đó, những giải pháp hiện hành đều được áp dụng song hiệu quả không cao, tai nạn giao thông vẫn nhức nhối, trong đó phần nhiều do người điều khiển phương tiện say rượu, bia gây ra.
Nhìn lại những vụ TNGT chết người do người lái ô tô, xe máy trong tình trạng say xỉn gây ra, dù là người ngoài cuộc thì vẫn thấy rùng mình và phẫn nộ. Bất cứ ai là nạn nhân hoặc có người thân là nạn nhân của tài xế say xỉn thì chắc chắn đều ủng hộ đề xuất mạnh tay này.
Say xỉn vẫn lái xe mà hình phạt chỉ là tạm giữ xe, tạm giữ bằng lái và phạt tiền theo khung thì không bao giờ ngăn được các “đệ tử Lưu Linh” ra đường; còn tịch thu xe - tài sản giá trị lớn - ắt hẳn sẽ khiến chùn chân.
Chẳng ai muốn TNGT ập đến với mình cả, thế mà sao lại dung dưỡng cho những mầm mống gây tai nạn? Nếu bảo tịch thu và sung công sẽ gây thiệt hại tài sản công dân, vậy sao không nghĩ đến mất mát suốt đời mà nạn nhân và gia đình họ phải gánh chịu; rộng hơn là thiệt hại cho cả xã hội này, đất nước này khi mỗi năm có ít nhất 11.000 người chết vì TNGT, hàng chục ngàn người bị thương tật suốt đời và GDP mất ít nhất 5% vì TNGT?
Còn nếu vướng luật thì sửa luật. Thực tế đã chứng minh điều đó, bằng chứng mới nhất là cách đây đúng 4 tháng, Quốc hội đã thông qua nghị quyết gỡ vướng cho Luật Xử lý vi phạm hành chính để tập trung người nghiện đưa đi cai bắt buộc. Trước đó, Quốc hội cũng từng sửa đổi, điều chỉnh nhiều điều luật khác để phù hợp thực tiễn.
Cái mới mà gây sốc thì thường bị phản đối. Tọa đàm với các doanh nghiệp và nhà quản lý Việt Nam ở Hà Nội hôm 4-3, cựu thủ tướng Anh Tony Blair nói rằng “cải cách thật bao giờ cũng bị phản đối nhưng phải làm; việc phản đối các cải cách là bình thường; đối với những cải cách không có phản đối thì cần xem lại”.
Đề xuất táo bạo của Ủy ban ATGT quốc gia cũng rơi vào trường hợp như vậy, cần được ủng hộ.
Bình luận (0)