“Đời tôi khó mà lên bờ, bởi đâu có gì trong tay. Hy vọng đến đời con tôi thì có thể...!”. Ông Nguyễn Văn Rị (quê Bến Tre) vừa neo ghe trên kênh Tàu Hũ (quận 8 - TPHCM) vừa tâm sự. Anh Nguyễn Xuân Hoài (quê Vĩnh Long) thò đầu ra khỏi chiếc ghe đậu kế bên, nói chen ngang: “Vợ chồng tôi phân công nhau rồi. Bà ấy tiếp tục chở hàng kiếm sống, còn tôi lên bờ làm thợ hồ để dành dụm tiền nhằm tích lũy vốn, sau này lên bờ hẳn, chứ sống lênh đênh kiểu này riết không tai nạn thì có ngày con mình cũng “dính” ma túy...”.
Ám ảnh ma túy
Tôi đã vài lần bắt gặp một số chủ ghe vận chuyển, buôn bán ma túy ngay trên tuyến đường thủy TPHCM - miền Tây. “Từ miền Tây, các chủ ghe đưa ma túy lên TPHCM bán lại cho các chủ ghe khác, những chủ ghe này sau đó chia lẻ ra bán cho các con nghiện, nhiều nhất là ở khu vực dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y thuộc TPHCM” - ông Bùi Văn Hiên, một chủ vựa trái cây ở chợ Bang Tra (Bến Tre), cho biết.
Theo một số chủ ghe “định cư” dưới chân cầu Tân Thuận 1 và Tân Thuận 2 (TPHCM), nạn buôn ma túy trong “dân thương hồ” đã diễn ra nhiều năm nay. Một số người thường vờ đi bán nước hoặc cà phê cho các tàu trên sông nhưng thực chất là để bán ma túy.
Đời sông nước nhiều hiểm nguy rình rập
Bởi vậy, điều khiến những bậc cha mẹ sống đời sông nước lo canh cánh không phải là miếng ăn hằng ngày mà là nỗi sợ về một ngày nào đó con cái của họ sẽ bị “dính” hàng trắng. Suốt nửa cuộc đời xuôi ngược khắp các kênh rạch, chứng kiến cảnh con cái của nhiều bạn nghề phải bỏ học, bỏ việc đi bán ma túy, ông Trần Văn Huỳnh, một chủ ghe, thắc thỏm: “Ngày nào còn lênh đênh trên kênh rạch là ngày đó tôi chưa yên lòng vì nạn ma túy trên tuyến đường sông này kinh khủng lắm”.
Mỗi khi vào bờ lấy hàng hay mua sắm, ông Huỳnh đều dõi theo con từng bước. “Cuộc đời có nhiều thứ cám dỗ nên đâu thể yên tâm con mình hoàn toàn “miễn dịch” với nạn ma túy, đề phòng vẫn tốt hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, một người có trách nhiệm trong lĩnh vực phòng chống ma túy ở quận 8 - TPHCM cho biết: “Hệ thống kênh rạch từ sông Sài Gòn đi qua địa phận các quận 1, 2, 4, 6, 7, 8... trước khi về các tỉnh miền Tây với lượng tàu ghe lưu thông rất đông.
Những gia đình trên ghe ven kênh Tàu Hũ (TPHCM) chưa biết ngày nào thoát được cảnh sống tạm bợ
Tình trạng buôn bán ma túy trên ghe ở những khu vực trên đã có từ lâu. Trước đây, cảnh sát phòng chống ma túy các quận đã bắt nhiều vụ, đưa ra xét xử và phạt tù nhiều đối tượng”. Cũng theo người này, hầu hết các đối tượng buôn bán ma túy nói trên là khách vãng lai đi theo các ghe thuyền nên việc phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ rất khó.
Chỉ mong được lên bờ
Hồi mới vào nghề vào cuối năm 1998, cả gia đình anh Lê Văn Kiên (quê Long An) chỉ định vận chuyển hàng từ quê lên TP bán lại cho các đầu mối, kiếm chút lãi trang trải cuộc sống.
Thế nhưng, sau 2 năm, ghe của anh bị sà lan đụng phải, 8 tấn trái cây trôi tứ tán, ba ngày sau mới vớt được ghe lên nhưng cũng chỉ để bổ ra làm củi... Từ đó, cả nhà anh đành “ký gửi” ven kênh ở Sài Gòn, hằng ngày vợ chồng anh buôn bán lẻ trái cây để sống. Vậy mà đã gần 14 năm! Trong chừng ấy thời gian, đêm nào nằm ngủ anh cũng mơ thấy gia đình mình có được chốn an cư.
20 giờ, xóm ghe ven sông Sài Gòn bắt đầu nhộn nhịp, nhiều người sau một ngày lao động trở về, nặng nhọc bước lên ghe rồi nằm sóng soài giữa khoang thuyền. Thấy con đi học về lả đi vì đói, chị Hồng, vợ một chủ ghe, vội vàng bật chiếc bếp dầu lên nấu cơm.
Chị nhìn tôi, tỏ vẻ ngượng ngùng về sự nghèo khó của gia đình mình, nói: “Phải chờ ba nó đi làm về ghé chợ mua thức ăn nên tối nay nhà ăn cơm muộn”. Từ phía bờ sông, những gia đình sống trên ghe cũng bắt đầu lên đèn, những ánh đèn le lói không đủ để nhìn rõ mặt người. Không một âm thanh vọng ra từ tivi hay đĩa hát, thay vào đó là tiếng khóc thét của những đứa trẻ và điệu ru con buồn tênh cất lên từ những chiếc ghe cũ nát: “Ầu ơ... Muốn đi mẹ dắt con đi/Con đi trường học, mẹ đi trường đời...”.
Tôi gặp chị Võ Thị Hinh (quê Tiền Giang), người bám sông nước đã mấy chục năm nay, giấc mơ thoát nghèo của gia đình chị vẫn luôn cháy bỏng. “Lên bờ mới hy vọng ổn định cuộc sống để con cái học hành. Ở quê, ruộng vườn không có, làm công chẳng đủ ăn nên về đó chẳng biết làm gì. Thôi thì ráng chờ thằng Tèo học xong, lên bờ cưới vợ, khi đó vợ chồng tôi sẽ về quê an dưỡng tuổi già” - chị Hinh nói, ánh mắt lóe lên niềm hy vọng.
Học để thoát nghèo Trên kênh Tàu Hũ (quận 8), tôi gặp Thuận, hiện là sinh viên năm thứ ba ngành nuôi trồng thủy sản - Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Cả nhà Thuận sống trên ghe, hằng ngày đi chở hàng cho các đầu mối nông sản từ tỉnh Đồng Tháp lên TPHCM. |
Bình luận (0)