Hàng trăm hộ gia đình xem tuyến đường thủy huyết mạch này là quê hương thứ hai của mình. Nơi ấy, họ gắn bó cả đời, kiếm sống và... trả giá.
Lam lũ, đạm bạc
Quê Bến Tre, từ nhỏ, Năm Ơn đã theo cha đi giăng lưới, thả câu, lớn lên xuôi ngược khắp nơi lấy nghề vận chuyển trái cây làm kế sinh nhai. Hôm nay cũng như bao ngày của hàng chục năm qua, vợ chồng ông cùng các con bắt đầu nhổ neo rời TPHCM xuôi về miền Tây để vận chuyển hàng lên TPHCM.
“Chúng tôi đưa chủ yếu là hàng nông sản từ các tỉnh miền Tây lên phân phối về chợ Bến Thành hay các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn...Thông thường, từ miền Tây về TPHCM mất khoảng hai ngày hai đêm/chuyến, gặp những lúc gió mạnh thì mất ba ngày hai đêm. Mỗi chuyến hàng nặng từ 8 - 10 tấn, tiền công khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Còn hàng chở từ TPHCM về lại miền Tây thì rẻ hơn, cao lắm chỉ 300.000 đồng/chuyến” - ông Năm Ơn cho biết.
Những chiếc ghe chở hàng trên kênh Chợ Gạo dễ bị gặp nạn bởi những chiếc sà lan to lớn
Theo chuyến ghe của ông Năm Ơn về miền Tây, chúng tôi bắt gặp hàng trăm chiếc ghe nhỏ cứ lắc lư giữa dòng nước, có khi nghiêng hẳn về một bên hay chao đảo mỗi khi có tàu lớn đi qua. Ông Năm Ơn khoe: “Từ TPHCM xuống bất kỳ tỉnh nào của miền Tây bằng đường thủy, tôi nhắm mắt cũng có thể điều khiển ghe chạy được, miễn không có tàu lớn chắn ngang”.
Cùng với gia đình ông Năm Ơn, gia đình anh Sáu Rọi (quê Tiền Giang) cũng lênh đênh trên con đường thủy này suốt 14 năm nay bằng nghề vận chuyển trái cây. “Vào những ngày không có hàng để chở thì cả nhà đánh bắt cá để kiếm ăn, tiện thể cho ghe trôi theo dòng nước xuống miền Tây nhằm tiết kiệm dầu, chờ có hàng lại chở về TP” – anh Sáu Rọi nói. Từ sông Vàm Cỏ xuôi về kênh Chợ Gạo (Tiền Giang), chợ Bang Tra (Bến Tre), hàng chục chiếc ghe tấp nập ra vào, ghe nào cũng đầy trái cây, hoa quả đang hối hả xuôi về TPHCM để kịp quay đầu cho chuyến hàng tiếp theo. Nhìn những chiếc ghe cũ kỹ với những phận người lam lũ ngày ngày xuôi ngược trên dòng nước mới thấy cuộc mưu sinh của họ thật khắc nghiệt.
23 giờ, số ghe và sà lan nối đuôi nhau đi về kênh đào Chợ Gạo để lên TPHCM càng đông. Lùi vào sát bờ kênh, bỏ neo, đốt chiếc đèn dầu tự chế đặt lên chỗ cao nhất của mui ghe để báo hiệu nhằm tránh tai nạn rồi cả gia đình năm miệng ăn quây quần bên mâm cơm tối đạm bạc với cơm trắng và vài con cá khô, một ít rau lang luộc chấm mắm...
Trong đêm tối, dọc kênh Chợ Gạo, nhiều chiếc ghe đã bắt đầu lên đèn. Trên con kênh ấy, có đến hàng trăm gia đình định cư, lấy việc chở hàng, đánh cá làm nghề chính. Họ chủ yếu là người ở các tỉnh Long An, Bến Tre, ai thuê gì chở nấy.
Nhiều hộ gia đình quanh năm lam lũ, lênh đênh trên sông nước
Dễ mất của, mất mạng
Chạng vạng tối, chiếc ghe của gia đình ông Nguyễn Hữu Long, quê Kiên Giang chở đầy ắp trái cây bắt đầu nhổ neo rời bến chợ Bang Tra (Bến Tre) ngược về TPHCM, khi đi đến đầu kênh Chợ Gạo thì bị một chiếc sà lan tông thẳng vào khiến cho ghe ông chìm đắm, thiệt hại đến gần 100 triệu đồng.
Ông Phan Văn Tùng, một chủ ghe, buồn bã kể lại vụ tai nạn vào đầu năm 2009, ghe chở dừa của ông bị một chiếc sà lan đâm phải khi đang từ chợ Bang Tra về TPHCM. Thật đau đớn, trong tai nạn ấy, hai người con của ông vĩnh viễn nằm lại với lòng sông.
Rất nhiều bạn nghề của ông Tùng cũng từng gặp nạn trên đường mưu sinh, hầu hết bị sà lan tông hoặc chìm ghe vì sóng to, gió lớn. Sau tai nạn, ai cũng trắng tay và ngập nợ, không ít người mất người thân. “Nhìn con kênh êm ả là thế nhưng tai nạn xảy ra như cơm bữa” - ông Tùng chua chát.
Ghe xuôi vào khu vực chính của kênh đào Chợ Gạo đúng lúc nửa đêm giữa hàng trăm chiếc sà lan nối đuôi nhau xuôi ngược. Trời về sáng, gió bắt đầu thổi mạnh, hàng trăm chiếc ghe chất đầy trái cây, hoa quả; mạn ghe chỉ cách mặt nước một gang tay bắt đầu dập dềnh, chạy chậm lại, song song với những chiếc sà lan chở cát cao lừng lững. Ông Tùng nhìn sang vợ nói như dặn dò: “Tui sợ không qua nổi bà ơi, hay mình tấp ghe vô sát bờ chờ sáng mai chạy tiếp, cứ thế này tai nạn xảy ra thì khổ”.
Ngồi trên ghe của ông Tùng, tôi nghe mà thót tim, nhất là những lúc có tàu lớn hay sà lan đi qua khiến ghe cứ chao đảo, chực đổ nhào xuống dòng nước.
Cả đời trên ghe
|
Kỳ tới: Ước vọng đổi đời
Bình luận (0)