Chuyện xảy ra vào trưa 1-7. Đến chiều cùng ngày, khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra công văn hỏa tốc yêu cầu tạm dừng lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn thì nạn nhân, ông Đinh Xuân Hướng, đã tử vong. Lễ hội chọi trâu (tục đấu ngưu) nhờ nhân danh "văn hóa" mà tồn tại từ rất lâu đời. Tính "lễ" của nó đã được thừa nhận mà đỉnh cao là được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với đó là tính bạo lực kinh khủng mà ai cũng thấy.
Hình ảnh những con trâu bê bết máu vốn đã gây ám ảnh rồi, sau cuộc chọi, cả trâu thắng lẫn trâu thua đều bị xẻ thịt đem tế lễ hoặc bán, cách làm này càng gây ghê rợn hơn nữa. Và nay, ở vòng đấu sơ loại (lễ hội chính thức - chung kết tổ chức vào đúng mùng 9 tháng 8 âm lịch hằng năm) đã xảy ra sự chết chóc.
Văn hóa là phải hướng tới cái đẹp. Tình trạng lễ hội văn hóa bạo lực như chém lợn (Bắc Ninh), đâm trâu (Quảng Nam), chọi trâu (Phúc Thọ, Hà Nội)... đã bị lên án nhiều và bị cấm nhằm ngăn chặn kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Tháng 2-2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 15 quy định không tổ chức các lễ hội có nội dung "mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập bạo lực, cảnh rùng rợn, mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác, mô tả các hành động tội ác khác". Vậy có lý do gì để phải giữ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn? Nếu đã tốn nhiều công sức khôi phục và duy trì tổ chức lễ hội này 28 năm qua, tại sao không thay đổi cách làm cho đúng mục đích nhân văn của nó?
Năm 1938, nhà văn Trần Tiêu thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn viết tiểu thuyết "Con trâu", dùng hình ảnh con trâu nói chuyện con người, rất sâu sắc. Đó là hình ảnh người nông dân (bác Chính) lam lũ, cơ cực cả đời và luôn mơ ước tậu được một con trâu cái để sinh lời. Song đến chết, bác vẫn chưa thực hiện được ước mơ giản đơn ấy, miệng không thôi lẩm bẩm hai tiếng "con trâu"!
Dẫn dắt như thế để nhấn mạnh con trâu là loài vật hiền lành, là bạn, là "đầu cơ nghiệp" của bao nhà. Lịch sử nền văn minh lúa nước ngàn năm của dân tộc Việt đã chứng minh điều đó. Thế nên, đem trâu ra chọi là ác đức với loài vật, cũng là nhẫn tâm với chính mình. Cứ làm như vậy thì đừng hỏi tại sao cái xấu cứ nảy nòi, tội ác cứ sinh sôi... Và, nếu không có quan điểm rõ ràng và hành động quyết liệt thì sẽ còn nhiều cái chết thương tâm như trường hợp ông Đinh Xuân Hướng.
Bình luận (0)