“Tại sao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quá ưu ái cho người lấn chiếm kênh rạch bất hợp pháp như vậy? Tại sao bộ lại phủ nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được thống nhất với UBND TPHCM”. Những bức xúc này đã được ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nêu ra tại buổi làm việc mới đây với UBND quận 2 - TPHCM về dự án xây dựng Nhà Văn hóa Lao động (NVHLĐ) quận.
Chính phủ và địa phương thống nhất cách giải quyết
Thực hiện Chương trình 17-CT/TU của Thành ủy TPHCM về “Xây dựng giai cấp công nhân TP”, trong buổi làm việc ngày 23-7-2001, LĐLĐ TP được UBND quận 2 giới thiệu một khu đất có diện tích 9.868 m2 tại phường Bình Trưng Tây để xây dựng NVHLĐ quận 2. Sau đó, LĐLĐ TPHCM đã được Thành ủy và UBND TP đồng ý về mặt chủ trương xây dựng công trình phúc lợi này.
Sau khi dự án xây dựng NVHLĐ quận 2 được LĐLĐ TP phê duyệt, ngày 15-6-2005, UBND TP đã ra Quyết định số 2988/QĐ- UBND về việc thu hồi 9.591 m2 đất (đã trừ 277 m2 đất ở) của khu đất nói trên và giao cho LĐLĐ quận 2 thực hiện dự án đầu tư xây dựng NVHLĐ. Thế nhưng, sau hơn 7 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất, khu đất xây dựng NVHLĐ này vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (bìa phải)
và lãnh đạo LĐLĐ TPHCM thị sát khu đất xây dựng Nhà Văn hóa Lao động quận 2
Để triển khai dự án, sau khi UBND TP có quyết định thu hồi khu đất nói trên, UBND quận 2 đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ gia đình ông Võ Văn Hội (người liên quan đến khu đất này) di dời. Ngay sau đó, ông Hội cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng nên đã khiếu nại. Sau khi UBND TP ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 5500/QĐ-UBND ngày 27-10-2005, ông Hội không đồng ý và lại tiếp tục khiếu nại lên Trung ương.
Sau 2 lần thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã thống nhất với UBND TP về cách giải quyết: Bồi thường cho ông Hội 2.238 m2 đất do ông mua lại của người khác, hỗ trợ chi phí san lấp 2.635 m2 đất rạch lấn chiếm; còn 4.995 m2 đất công đã hết hạn giao khoán thì không hỗ trợ. Không đồng ý, ông Hội lại khiếu nại tiếp.
Bộ TN-MT nâng mức bồi thường
Điều lạ lùng là sau đó, Bộ TN-MT lại cử đoàn Thanh tra vào TPHCM để “phúc tra” kết luận của Thanh tra Chính phủ trong khi Thanh tra Bộ TN-MT là thanh tra chuyên ngành, chịu sự quản lý của Thanh tra Chính phủ. Như vậy, Bộ TN-MT đã vi phạm nguyên tắc và quy định của hoạt động thanh tra.
Càng khó hiểu hơn khi thanh tra Bộ TN-MT lại yêu cầu UBND TP “hỗ trợ” ông Hội luôn cả phần 4.995 m2 đất công đã hết thời hạn giao khoán, buộc UBND TP phải ra Quyết định 3610/QĐ-UBND điều chỉnh Quyết định 5500/QĐ-UBND trước đó. Theo đó, Thanh tra Bộ TN-MT đề xuất nâng tổng số tiền bồi thường và hỗ trợ cho ông Hội từ 4,6 tỉ đồng lên 13,6 tỉ đồng, rồi 18,2 tỉ đồng.
Chưa dừng lại, ngày 31-8-2010, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển (phụ trách thanh tra) đã ký thêm báo cáo số 3467/BTNMT-TTr gửi Thủ tướng Chính phủ và đưa ra thông tin sai sự thật, rằng: “2.635 m2 đất rạch do ông Hội tự khai phá đã được chính quyền cho phép khai hoang và sử dụng liên tục, ổn định nhiều năm, đủ điều kiện để được bồi thường quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
Từ đó, báo cáo này kiến nghị Thủ tướng “chỉ đạo UBND TPHCM điều chỉnh Quyết định số 3610/QĐ-UBND theo hướng: Bồi thường cả 2.635 m2 đất mà ông Hội lấn chiếm... rạch! Với kiến nghị này, tổng số tiền bồi thường và hỗ trợ cho ông Hội từ 18,2 tỉ đồng đã vọt tiếp lên 34 tỉ đồng(!).
Đề xuất trái pháp luật
Tại buổi làm việc ngày 28-11 giữa Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam với UBND quận 2, đại diện các cơ quan chức năng địa phương khẳng định: Việc Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng ông Hội được chính quyền địa phương cho phép khai hoang, sử dụng 2.635 m2 kênh rạch tự nhiên là sai sự thật. Vì vậy, việc Thứ trưởng Hiển kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP phải bồi thường cho ông Hội giá trị quyền sử dụng 2.635 m2 đất do ông lấn chiếm kênh rạch là vô căn cứ, trái pháp luật bởi theo Luật Đất đai năm 2003, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Việc quản lý, giao sử dụng loại đất này phải tuân thủ trình tự quy định pháp luật. Hành vi lấn, chiếm đất trái phép bị nghiêm cấm. Vì vậy, trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam không hề có quy định bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đối với loại kênh rạch bị nghiêm cấm lấn chiếm. |
Bình luận (0)