Lễ trao Giải thưởng Báo chí quốc gia lần thứ 3 - 2008 đã được tổ chức tối qua, 21-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh cùng nhiều nhà báo lão thành...
Phóng viên Quý Hiền của Báo NLĐ (thứ năm từ trái sang) cùng các tác giả đạt giải C đang nhận giải tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: T. DŨNG |
Nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc nhất, có chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hóa, nội dung, hình thức thể hiện hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, tại lễ trao giải lần này, trong số 146 tác phẩm lọt vào chung khảo, Ban Tổ chức quyết định trao giải A cho 3 tác phẩm, giải B cho 12 tác phẩm, giải C cho 37 tác phẩm và 28 giải khuyến khích cho các tác phẩm khác.
Các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo còn lại, tuy không giành được giải nhưng cũng được tôn vinh bằng hình thức trao bằng chứng nhận của Hội đồng Báo chí quốc gia, Giải thưởng Báo chí quốc gia.
Theo ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, tham dự Giải thưởng Báo chí quốc gia năm nay có 977 tác phẩm, trong số đó có 120 tác phẩm là của cộng tác viên và bạn đọc của các cơ quan báo chí.
Các tác phẩm báo chí được chọn trao Giải thưởng Báo chí quốc gia lần thứ ba đã thực sự bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phản ánh trung thực các vấn đề, sự kiện trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... của đất nước.
Những tác phẩm này có ảnh hưởng xã hội sâu rộng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng báo chí Việt
Ba giải A (trị giá 30 triệu đồng/giải) được trao cho nhóm tác giả Ngô Mai Phong, Đinh Công Thắng (Báo Lao Động) với tác phẩm Cuộc chiến chống than lậu ở Quảng Ninh; nhóm tác giả Lê Văn Phúc, Nguyễn Tuyết Yến, Hồ Minh Khánh (hệ Thời sự chính trị tổng hợp VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam) với tác phẩm Tìm mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp; nhóm tác giả Minh Thu, Lê Kiệt (Đài PT-TH Đồng Nai) với tác phẩm Cảnh báo nạn bạo hành trẻ em.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng, đánh giá cao sức mạnh to lớn, vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen và diễn biến mau lẹ, vai trò của báo chí đối với xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn, trách nhiệm của báo chí đối với đất nước, với nhân dân càng nặng nề hơn.
Báo chí không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân mà còn phản ánh kịp thời, phân tích, đánh giá đúng mức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và định hướng dư luận xã hội về các sự kiện, các vấn đề thời sự trong nước và trên thế giới.
Báo chí của chúng ta có trách nhiệm phát hiện, phản ánh kịp thời các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt, đạt hiệu quả cao trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kịp thời đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch...
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, các tác phẩm được trao giải đã phản ánh được những vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Nhiều tác phẩm đã gây xúc động trong dư luận xã hội, tạo ra những ảnh hưởng lớn, đề ra được một số giải pháp về cơ chế, chính sách; phản ánh những bức xúc của cuộc sống. “Trên cơ sở thành công của Giải thưởng Báo chí quốc gia, hội đồng chấm giải cần kịp thời rút ra các giải pháp động viên báo chí cả nước” - Chủ tịch nước lưu ý.
Chủ tịch nước cũng lưu ý bản thân báo chí cần đấu tranh, ngăn chặn xu hướng lệch lạc, xa rời tôn chỉ mục đích, thương mại hóa báo chí. Các nhà báo cần học tập tấm gương tư tưởng đạo đức nghề nghiệp của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh, cần nâng cao tính chuyên nghiệp và tính tư tưởng của báo chí hiện đại. Trước mắt, báo chí cần nỗ lực cùng đất nước vượt qua những khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bảo đảm phát triển bền vững.
Báo Người Lao động nhận 1 giải C và 1 giải khuyến khích
|
Lời cảm ơn Kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2009), Báo Người Lao Động đã nhận nhiều thư, thiệp, điện, hoa và lời chúc mừng của Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM; Tổng LĐLĐ VN, LĐLĐ TPHCM; các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, TP và quận - huyện, sở - ngành TPHCM, các doanh nghiệp... và đông đảo bạn đọc. Ban Biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, CNV Báo Người Lao Động trân trọng cảm ơn những tình cảm quý báu đó và sẽ phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với sự tin cậy, quý mến của bạn đọc. Báo Người Lao Động |
Phóng viên Phạm Hồ và Như Phú của Báo NLĐ nhận giải nhất nhóm phỏng vấn, tường thuật,
ghi nhanh giải Báo chí TPHCM lần thứ 27. Ảnh: T.THẠNH
Bình luận (0)