Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết thời ông còn làm việc không có quá nhiều văn bản trái luật như bây giờ.
Sờ đến đâu sai đến đó
Theo báo cáo của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), chỉ riêng năm 2011, các cơ quan tư pháp đã phát hiện gần 4.000 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Trước đó, năm 2010, trong số 90.826 văn bản được kiểm tra, có đến 6.888 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Bộ Tư pháp nhận định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều điểm hạn chế. Tình trạng "luật chờ nghị định, thông tư" vẫn còn quá nhiều.
Trong khi đó, việc thẩm định, góp ý về các dự thảo văn bản luật và văn bản dưới luật ở nhiều cơ quan chỉ mang tính chất qua loa, chưa gắn kết với yêu cầu chỉ đạo, điều hành và chưa loại bỏ được những mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thẩm định. Không ít địa phương vẫn còn trường hợp văn bản chưa thẩm định đã trình UBND ban hành.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng năng lực cán bộ tư pháp còn hạn chế đã "góp phần" quan trọng dẫn tới tình trạng văn bản trái luật nhiều như hiện nay.
Theo ông Hậu, trong thời gian qua, nhiều văn bản trái luật gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp chưa được người ra văn bản xin lỗi, bồi thường thỏa đáng.
"Không thể tính hết thiệt hại của các doanh nghiệp khi Thông tư 20 "siết" quy định nhập khẩu, kinh doanh ô tô của Bộ Công Thương được ban hành. Sau một thời gian, những quy định bất hợp lý của thông tư này mới được sửa đổi" - ông Hậu nói.
Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, việc đưa tên cha mẹ vào CMND là
trái với Luật Dân sự và Công ước về quyền trẻ em
Chậm sửa đổi
Có một thực tế là khá nhiều văn bản trái luật bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật "tuýt còi" nhưng cơ quan ban hành chậm trễ sửa đổi hoặc làm ngơ khiến người dân gặp khó.
Điển hình nhất là Nghị quyết 23/2011 của HĐND TP Đà Nẵng có 3 nội dung trái luật đã được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhiều lần gửi công văn "nhắc nhở" nhưng chậm trễ sửa đổi.
Đến kỳ họp vừa qua, HĐND địa phương này mới bỏ 2 quy định bị "tuýt còi". Riêng quy định về siết nhập cư, HĐND TP Đà Nẵng và Sở Tư pháp Đà Nẵng vẫn một mực khẳng định mình không làm sai.
Mới đây là Thông tư 27/2012 của Bộ Công an quy định điền họ tên cha mẹ lên CMND. Đại diện Bộ Công an cho biết bộ thực hiện đúng Nghị định 170 về CMND đã ban hành từ năm 2007 và khi ấy Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định mà không có ý kiến gì nên mới cho ban hành.
Thế nhưng sau khi ban hành, Thông tư 27 đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sau đó có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị sửa quy định trên bởi nó trái với Luật Dân sự và Công ước về quyền trẻ em.
Mặc dù vậy, sáng 23-8, trả lời báo chí, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Tư pháp) vẫn khẳng định sẽ bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm cấp CMND mẫu mới từ đầu tháng 9 bởi Bộ Công an làm đúng theo nghị định của Chính phủ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết có một thực tế là nhiều quy định mang nặng tính lợi ích nhóm, không được lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan liên quan nên sau khi ban hành đã bị dư luận lên tiếng phản ứng rồi mới được sửa đổi.
Ông Hậu đề xuất Nhà nước nên có biện pháp chế tài, quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại do văn bản trái luật gây nên. |
Bình luận (0)