GS Đặng Hùng Võ (đứng), nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại buổi toạ đàm - ảnh: Phương Nhung
Sáng nay 10-5, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tổ chức Tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách”.
Tại tọa đàm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đánh giá môi trường nước hiện nay đang có vấn đề lớn về mặt quản lý. Theo đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường hiện đang nhận được nhiều ý kiến nhận xét là chúng ta đang để ở mức thấp quá, nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế như hiện nay. Bởi vậy, GS Đặng Hùng Võ cho rằng cần nghiên cứu đưa ra chuẩn mới phù hợp trình độ phát triển.
Với riêng vụ cá chết bất thường tại miền Trung và nghi vấn Formosa xả thải, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ đặt vấn đề: “Chứng cứ thì không có nhưng trong đầu tôi vẫn tư duy theo hướng liệu có gì tham nhũng ở đây không? Đây là câu hỏi chúng ta có quyền đặt ra. Giờ tham nhũng một đồng thì sau này chúng ta phải trả hàng tỉ đồng. Phải cương quyết là có tham nhũng vặt vãnh ở đâu thì tham nhũng chứ đừng tham nhũng về môi trường vì hậu quả của nó cực kỳ lớn, chúng ta không biết chúng ta hay con cháu chúng ta phải trả giá như thế nào?”.
Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, cho rằng: “Doanh nghiệp Nhật, châu Âu không cần quản lý thì họ cũng đã có tính tự giác cao rồi nhưng doanh nghiệp Châu Á và Việt Nam thì ý thức thấp. Doanh nghiệp đầu tư vận hành hệ thống xử lý chất thải rất tốn kém, không phải công ty nào cũng làm được. Hơn nữa, năng lực quản lý của cơ quan nhà nước cũng cần xem lại” - ông Sinh nêu.
TS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, đánh giá “vụ Formosa là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Lý giải, TS Nhuệ cho rằng: “Đó là vì chúng ta tham về kinh tế quá, nóng vội lợi nhuận kinh tế quá mà giờ mắc bẫy. Hy sinh bao nhiêu tiền giải phóng mặt bằng để đổi lại như thế”. Về giải pháp, TS Nhuệ cho rằng ý thức của chủ đầu tư các dự án có vai trò là rất lớn bởi nếu họ không nhận thức được thì chúng ta không đủ thời gian, nhân lực, phương tiện để kiểm soát được.
Bình luận (0)