Chiều 17-6, khi phóng viên Báo Người Lao Động đến trụ sở của Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn để tác nghiệp thì cũng bị bảo vệ và cán bộ của đơn vị này “đón tiếp” bằng những ngôn từ rất… “chợ búa” và thái độ hằn học.
Từ 2 câu chuyện nhỏ nhưng không nhỏ này khiến người ta phải suy ngẫm về cách hành xử thiếu văn hóa của không ít người trong xã hội hiện nay. Oái ăm thay, cái sự thiếu văn hóa ấy lắm lúc lại rơi vào những người thuộc giới trí thức, được xã hội trọng vọng, tôn vinh hoặc chí ít cũng là “có học hành tử tế” như vị bác sĩ và người cán bộ nói trên. Phải chăng họ xem mình là người có tiền, có địa vị nên có quyền được chê bai, dè bỉu, thậm chí mạt sát người khác?
Thật ra, việc hành xử có văn hóa giữa người với người vốn dĩ là “luật bất thành văn”, với những khuôn phép chế định trong cuộc sống. Đáng buồn thay, trong xã hội hiện đại hôm nay, có lúc, có nơi, mãnh lực đồng tiền đã lấn át các giá trị đạo đức truyền thống nên việc hành xử có văn hóa giữa con người với nhau vì thế cũng ngày càng bị xem nhẹ. Nói thế cũng không quá bởi mới hồi đầu tháng 6 này, một bác sĩ của Bệnh viện K. (Hà Nội) đã nhận cả xấp phong bì từ người nhà bệnh nhân. Vụ việc bị quay clip, tung lên mạng xã hội kèm những lời chê trách, nghi ngờ của cộng đồng về y đức của một bộ phận thầy thuốc.
Từ thực tế hôm nay, chợt nhớ đến tích xưa. Chuyện rằng: “Có một vị vua muốn xâm chiếm nước láng giềng nên sai người tìm hiểu nội tình. Quân thám báo về tâu người dân nước ấy rất hiền lành, sống khuôn phép, chuẩn mực. Con cháu hiếu kính với cha mẹ, ông bà, gia đình ấm êm; người dân cư xử với nhau như tình thân, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia khi khốn khó; vua tôi trên dưới thuận hòa. Vị vua nghe thế ra lệnh án binh, không tiến đánh.”. Rõ ràng lối hành xử văn hóa hay thiếu văn hóa của một dân tộc có ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong, thịnh suy của đất nước.
Đã có thời kỳ những giá trị đạo đức truyền thống, trong đó có văn hóa hành xử dựa trên tình cảm, nhân nghĩa bị phai nhạt, thay vào đó là mô thức rất phổ biến là đối phó nhau trong tổ chức mà mình tham gia, nghĩa là một loại văn hóa hành xử dựa trên những quan hệ bị áp đặt.
Xem ra câu thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” của mỗi người từ thuở mới cắp sách đến trường vẫn vẹn nguyên giá trị nhân bản theo thời gian. Học cao, hiểu rộng chưa chắc được xem là biết “làm người” khi hành xử thiếu văn hóa. Vậy nên, cái đẹp, cái thiện trong hành xử luôn tỏa sáng trong cuộc sống, được xã hội vun bồi. Điều này như một động lực, niềm tin cho con người về một cái kết đẹp của hành trình đi tìm nét đẹp văn hóa hành xử trong cuộc sống
Bình luận (0)