Không dự án rầm rộ, không xây dựng lòe loẹt nhưng khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng hiện đã cho cộng đồng dân cư các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm… (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhiều đổi thay ý nghĩa.
Tự hào vì không phá rừng
Anh Nguyễn Châu Á, một người con của làng Phong Nha (xã Sơn Trạch), từng rời quê vào TP HCM trầy trật làm ăn. Nhân cơ hội Sơn Đoòng được công bố là hang động lớn nhất thế giới, anh Á về quê lập Công ty Oxalis với mục đích tạo cơ hội cho bạn bè "lâm tặc" của mình thoát cảnh đời phá rừng. Hiện ở quanh Sơn Đoòng có hơn 300 trường hợp như anh Á nói quyết chí bỏ các nghề cũ liên qan đến rừng để phục vụ du khách đến các hang động như Sơn Đoòng, Én, Tú Làn…
Bỏ đời “lâm tặc”, những người dân nghèo này trở thành porter phục vụ du khách Ảnh: HOÀNG LONG
Ông Hồ Bằng Nguyên, ngụ làng Phong Nha, kể: "Hồi trước, Sơn Trạch là trung tâm "lâm tặc", nói trại ra là thợ sơn tràng. Cha truyền con nối, đói thì phải vào rừng kiếm gì cho vợ con chứ. Từ ngày chú Á về làng, đưa anh em sơn tràng vào đội hình porter gùi thồ hàng hóa cho du khách được trả lương tháng, có nằm mơ cũng không nghĩ rồi có cái nghề như thế. Trước làm "lâm tặc", ra đường gặp cán bộ xấu hổ lắm. Nay có nghề rồi, tự hào vì mình không còn tàn sát rừng núi".
Ông Nguyên là một trong hơn 300 người được lựa chọn vào làm nghề porter cho Công ty Oxalis. Từng là "lâm tặc" như ông Nguyên thì rất nhiều. Để bỏ nghề là cả một thời gian dài nhưng nói như ông Nguyên thì: "Ai cũng muốn hoàn lương chứ chui mãi trong rừng, vi phạm pháp luật, đi đâu cũng sợ, mất tự tin. Chừ làm porter tuy là khuân vác nhưng được tôn trọng, du khách hỏi han, động viên, được nhận đồng tiền bằng chính công sức của mình thì già trẻ chi cũng thấy hạnh phúc".
Oxalis vận hành như một công ty đại chúng. Đội ngũ porter được coi trọng bởi ngoài mang vác thuê còn biết kể các câu chuyện bản địa cho du khách. Ở góc độ nào đó, họ như nhà kiến thức học bản địa và du khách luôn thích nghe họ kể chuyện. Chính vì thế, anh Á đặt nhiều hy vọng thu hút các porter địa phương, trả lương đàng hoàng, tuyển dụng và đào tạo bài bản.
Công ty của anh Á có 4 nhóm trưởng, mỗi người nhận lương không dưới 10 triệu đồng. Porter khuân vác được trả mỗi tháng 6-7 triệu đồng. Những người như ông Nguyên không phải đi phá rừng và chính núi rừng quê hương họ cũng từ đó có cơ hội để "lên hương". Quy tụ những người như ông Nguyên quay về với việc yêu mến rừng quả là một thành công ngoài mong đợi của anh Á.
Hồi sinh cả gia đình
Tú Làn ở xã Tân Hóa, một địa danh chỉ mới được biết nhiều gần đây của huyện miền núi Minh Hóa. Tú Làn từng hoàn toàn vô danh trước mọi tìm kiếm, không phải di tích, không phải điểm đến nhưng đó là kỳ quan mới mà Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh vừa khám phá vào những năm đầu thế kỷ XXI. Khu vực Tú Làn có khoảng 23 hang động và Oxalis đang khai thác thử nghiệm 8 hang động. Khoảng 6 năm có mặt ở đây, Oxalis đã đưa đến nhiều đổi thay cho xã rẻo cao Tân Hóa.
Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, phấn khởi: "Á đã đưa Tú Làn lên báo chí thế giới nên khách quốc tế về đây ngày một đông. Năm 2016, tổng thu ngân sách toàn xã hơn 500 triệu đồng thì phí dịch vụ từ du lịch đã chiếm 500 triệu đồng, hơn 90% nguồn lực thu vào. Nếu làm tốt nữa thì không chỉ ngân sách xã mà người dân còn hưởng lợi thật nhiều".
Những porter đang phục vụ một đoàn du khách Ảnh: HOÀNG LONG
Tân Hóa là xã rẻo cao, mưa lũ thì lụt tận nóc, mùa nắng thì hạn cháy khét. Chưa bao giờ lãnh đạo địa phương dám nghĩ đến một ngày tài nguyên trơ khấc đá vôi, hang động vô tri mà đưa lại nguồn thu cả nửa tỉ đồng/năm. Nhưng nay, trong quyết sách phát triển, lãnh đạo địa phương xem phát triển du lịch là cơ hội để phá cảnh nghèo khó - một hướng đi từ cánh cửa Oxalis mở ra.
Anh Trương Xuân Trung (SN 1990, ngụ xã Tân Hóa) từng nuôi ước mơ thoát nghèo để vợ con đỡ khổ. Tính vào miền Nam làm thuê nhưng khi có cơ hội làm porter, anh Trung đã tận tình phục vụ. Nhận thấy du khách thường phải mang bánh mì từ thị trấn Quy Đạt hoặc dưới Phong Nha lên là quá xa, anh Trung tích cóp lương rồi mở lò sản xuất bánh mì ở xã Tân Hóa để cung cấp nguồn hàng nóng ấm lại đỡ chi phí vận chuyển. Lò bánh mì của anh Trung đã tạo việc làm cho cả gia đình. Từ sự chu đáo và ham mê học hỏi, anh được tuyển làm đầu bếp cho khách đi tham quan hang động ở Tú Làn.
"Cuộc sống thật sự khác trước nhiều. Ở đây anh em không còn đi phá rừng. Tôi cũng thoát khỏi cảnh như thế. Một nơi thật sự vô danh, xa thế giới nhưng du khách vẫn ghé mỗi ngày là cơ hội việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân" - anh Trung nói. Tân Hóa thật sự đang chuyển mình.
Porter đầu tiên ở xứ này có lẽ là người dẫn đường số 1 thế giới Hồ Khanh. Anh cũng chính là người tìm ra Sơn Đoòng và nhiều hang động khác. Lương của anh Khanh được trả ở mức độ quản lý cũng như thương hiệu, không dưới 20 triệu đồng/tháng. Còn ông Hồ Bằng Nguyêncó 7 người con, nhờ nghề porter mà thoát cảnh khó khăn. Năm người con lớn của ông Nguyên đã trưởng thành, 2 đứa nhỏ còn học.
"Với tôi, nghề porter đưa lại sự hồi sinh cả gia đình. Không chỉ tôi mà các con cũng làm. Nghề porter đã xóa đói giảm nghèo cực kỳ hiệu quả với gia đình tôi" - ông Nguyên bộc bạch. Chỉ căn nhà 2 tầng vừa hoàn thiện, ông Nguyên cho biết tiền công thợ là từ gùi thồ tích cóp mấy năm nay. Mỗi khi có đoàn khách về, con gái ông đảm nhận giặt các đôi tất, giày dép, ba lô… với giá tiền công 1,5 triệu đồng, có khi 2 triệu đồng/đoàn. Nếu không có các dịch vụ này thì rất khó kiếm tiền ở nơi hẻo lánh như thế.
Cộng sự đặc biệt
Anh Nguyễn Châu Á nói: "Chúng tôi tự hào đã tập hợp 300 porter phục vụ cho các tour như Sơn Đoòng, hang Én, hang Va, Tú Làn. Ngoài ra, còn hơn 150 nhân viên là cư dân địa phương đang làm việc cho cả Oxalis và Chày Lập Farmstay. Nhóm porter là một phần không thể thiếu trong các tour, họ là những cộng sự đặc biệt, là đối tác và cũng là nhân tố góp phần tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách".
Kỳ tới: Bén duyên với quê nghèo
Bình luận (0)