Lý giải về màu “lạ” ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngày 10-1, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám (gọi tắt là Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám), cho biết các hạng mục này nhiều năm không được vệ sinh, tu bổ nên bị nấm mốc, rêu bẩn khiến du khách phàn nàn. Nếu không tu sửa, công trình sẽ xuống cấp, thậm chí sập đổ.
Sau Tết sẽ... cũ lại
Theo ông Lê Xuân Kiêu, 3 năm gần đây, do không được vệ sinh định kỳ, hệ thống tường rào xung quanh di tích, tường nhà các khu vực đã bong tróc, rêu phủ lớp dày. Ngoài ra, nhà Bái đường cũng gần 20 năm chưa vệ sinh cấu kiện nên bị nấm mốc, mọt.
Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám đã mời Trung tâm Kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích khảo sát, tư vấn biện pháp vệ sinh các cấu kiện và quét vôi các tường bị rêu bao phủ. Trung tâm đã báo cáo thực trạng lên Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội. Sau đó, sở tiếp tục xin ý kiến và được UBND TP Hà Nội đồng ý cho chủ trương vệ sinh cấu kiện gỗ có sơn son thếp bạc, phủ hoàng kim tại Bái đường, hậu cung khu Văn Miếu… “Trung tâm làm đúng quy trình tu bổ di tích Văn Miếu” - ông Kiêu khẳng định.
Trước những băn khoăn về độ vênh giữa các hạng mục vừa được quét vôi với hình ảnh rêu phong còn lại của các hạng mục khác đã làm thay đổi ít nhiều tổng thể cảnh quan di tích, ông Kiêu cho rằng kỹ thuật quét vôi truyền thống pha với than bùn đang được thực hiện phổ biến trong quá trình tu sửa di tích ở Việt Nam. Chẳng hạn, đền Ngọc Sơn năm nào cũng thực hiện kỹ thuật này để tu sửa. Hơn nữa, vì kỹ thuật này không sử dụng hóa chất nên chỉ cần qua Tết nguyên đán 2017, màu xám trắng sẽ trầm xuống và có thể lại mốc rêu trở lại. Vì thế, từ nay, việc quét sửa tường và các mục phụ này sẽ diễn ra hằng năm ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Kinh phí tu sửa trích kinh phí bán vé tham quan của di tích, không sử dụng nguồn vốn nhà nước.
Từng có bài học
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, khẳng định việc quét vôi một số hạng mục ở Văn Miếu Quốc Tử Giám đã được UBND TP và sở đồng ý về chủ trương.
Theo ông Trương Minh Tiến, quét vôi để bảo vệ tường là việc phải làm vì một số tường gạch đã bong tróc, rất phản cảm… Tuy nhiên, chỉ làm những chỗ xuống cấp chứ không chủ trương quét lại tổng thể toàn bộ di tích. "Về lâu dài, chúng tôi sẽ yêu cầu xem xét lại các hạng mục xuống cấp, lập dự án tu bổ tổng thể để làm theo đúng Luật Di sản văn hóa” - ông Tiến nêu rõ.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa, cho rằng khi sơn sửa, trùng tu một di tích quốc gia đặc biệt như Văn Miếu Quốc Tử Giám, cơ quan quản lý cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia văn hóa, lịch sử và thông báo rộng rãi đến người dân. Việc phủ sơn lên Văn Miếu đã thay đổi kiến trúc triết học ở trung tâm Nho giáo của người Việt.
“Trước đây, Hà Nội từng có bài học khi sơn lại tháp Rùa và Ô Quan Chưởng đã bị dư luận phản đối mạnh mẽ. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng Văn Miếu Quốc Tử Giám lại có màu phản cảm đến vậy”- PGS Trần Lâm Biền phản ứng.
GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, khẳng định việc trùng tu, tôn tạo di tích buộc phải giữ được nét cổ kính, kiến trúc lịch sử. Nếu chỉ quét loại sơn để rêu không ăn hỏng bề mặt tường và các hạng mục di tích thì vẫn thuộc thẩm quyền của Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám vì không làm ảnh hưởng đến kiến trúc. Tuy nhiên, sơn màu “lạ” lên Văn Miếu Quốc Tử Giám, trung tâm nên thông tin đến báo chí, người dân được biết, tránh việc hiểu lầm.
Trùng tu Bia Quốc học theo nguyên bản?
Bia Quốc học đối diện Trường THPT chuyên Quốc học Huế trên đường Lê Lợi, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế vốn có tên gọi là Bia tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Được xây dựng vào năm 1920 dưới thời vua Khải Định, Bia Quốc học tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt đã tử trận khi chống phát xít.
Vào tháng 11-2016, Bia Quốc học được trùng tu và cải tạo do Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế làm chủ đầu tư. Công trình đang dần hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Tuy nhiên, nhiều người dân và du khách rất bất ngờ trước màu sơn lạ thường của Bia Quốc học. Nhiều người cho rằng việc thi công này làm mất đi tính nguyên bản vốn có của công trình, như được xây mới, có nhiều chi tiết lạ như hình tượng 2 con nghê trước bia.
Ông Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Phân viện Khoa học - Công nghệ miền Trung, đơn vị tư vấn thiết kế công trình tu bổ Bia Quốc học - cho biết công trình chưa được công nhận là di tích. Việc trùng tu Bia Quốc học dựa trên nguyên bản của các chi tiết trong công trình. Trước khi trùng tu, đơn vị đã chụp ảnh các hạng mục xuống cấp để làm nguyên mẫu sau này. Còn ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng hầu như những người nhận xét về vẻ bề ngoài của Bia Quốc học sau khi trùng tu chỉ đi ngang qua. “Sau khi trùng tu thì có màu mới, một thời gian sau thì nó lại như cũ thôi” - ông Hải khẳng định.
Q.Nhật
Bình luận (0)