Ngày 26-10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai tuyến vận tải ven biển. Dù đánh giá cao hiệu quả nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Giảm áp lực cho đường bộ
Tuyến vận tải ven biển kéo dài từ tỉnh Quảng Ninh đến Kiên Giang. Bộ GTVT đánh giá sau 1 năm triển khai, tuyến vận tải này đã mang lại những hiệu quả tích cực trong vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đang quá tải.
Tính đến cuối tháng 9-2015, các cảng vụ đường thủy nội địa, cảng vụ hàng hải đã làm thủ tục cho 6.346 lượt phương tiện mang cấp tàu VR-SB vào - rời bến thủy nội địa và cảng biển với hơn 6 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển, tương đương hơn 200.000 xe tải loại 30 tấn. Cũng sau 1 năm triển khai, toàn tuyến chỉ xảy ra 5 vụ tai nạn, trong đó có 1 trường hợp tàu bị đắm, còn lại bị mắc cạn và gặp sự cố.
Tuy nhiên, Bộ GTVT thừa nhận tuyến vận tải ven biển đang phát sinh một số bất cập. Cụ thể, việc giải quyết thủ tục cho phương tiện thủy nội địa mang cấp tàu VR-SB còn nhiều vướng mắc. Công tác tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ đối với tàu VR-SB cũng gặp trở ngại do thiếu thông tin liên lạc với tàu, chủ tàu.
Theo quy định, các loại tàu có dung tích từ 2.000 GT trở lên bắt buộc phải sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải khi vào - rời cảng biển hoặc di chuyển trong vùng nước cảng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều khu vực do có sự giao cắt giữa luồng đường thủy nội địa và vùng nước cảng biển nên việc đón - trả hoa tiêu gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, số lượng tàu ngày càng gia tăng nhưng cơ sở hạ tầng, bến cảng, kho bãi, hệ thống hạ tầng kết nối, tuyến luồng… còn hạn chế; quy mô đầu tư cũng chưa đáp ứng được vận tải.
Tình trạng một số cửa sông khan cạn, chưa được đầu tư nạo vét, bố trí phao tiêu, báo hiệu hướng dẫn luồng rạch ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn và năng lực vận chuyển của các phương tiện…
Phí đắt đỏ, thủ tục chồng chéo
Theo bà Trang Thị Kim Mai, Giám đốc DNTN Phước Vinh (tỉnh Vĩnh Long), vấn đề đăng kiểm đang phát sinh nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Cụ thể, thời gian đăng kiểm có hạn nhưng 1 tuần chỉ tập trung vào thứ sáu nên các phương tiện bị dồn lại, gây trở ngại trong kinh doanh.
Cũng theo bà Mai, việc đóng phí cho cảng vụ hiện rất bất hợp lý, chồng chéo, tạo thêm gánh nặng cho DN. “Một phương tiện khoảng 900 tấn đóng phí cảng vụ một lần gần 300.000 đồng và nếu 1 tháng đi 5 lượt thì mất gần 1,5 triệu đồng. Với những DN có nhiều phương tiện thì mức phí này là quá lớn” - bà Mai lập luận.
Đại diện một DN vận tải ở Hải Phòng cho rằng các thủ tục hành chính liên quan đến tàu VR-SB bộc lộ nhiều bất cập, chưa rõ ràng và gây khó khăn cho DN. “Chúng tôi đã kiến nghị các cấp thẩm quyền giảm bớt những thủ tục không cần thiết và phải có văn bản rõ ràng để thống nhất giữa DN và các cơ quan chức năng” - vị đại diện DN nói.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, thừa nhận qua 1 năm triển khai tuyến vận tải ven biển, ngoài những hiệu quả tích cực cũng còn nhiều khó khăn, bất cập như các DN phản ánh. “Với những ý kiến liên quan đến cơ chế, chính sách còn hạn chế mà thuộc thẩm quyền thì Bộ GTVT sẽ rà soát lại và sửa đổi để tạo thuận lợi cho DN hoạt động” - ông Ngọc cam kết.
Chưa phù hợp thì phải sửa
Lắng nghe ý kiến từ DN, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, yêu cầu các cơ quan chức năng phải rà soát lại văn bản, chính sách, làm rõ những vướng mắc, bất cập của tuyến vận tải ven biển để điều chỉnh, trả lời bằng văn bản hoặc đăng trên website của bộ để DN nắm rõ thông tin. “Những gì chưa phù hợp thì phải lập tức sửa để tránh chồng chéo, gây khó khăn cho DN với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển” - ông Nhật nhấn mạnh.
Bình luận (0)