Thực ra, quy định xử phạt lỗi vượt đèn vàng đã có từ gần 10 năm trước theo Luật Giao thông đường bộ. Nó chỉ gây tranh cãi kể từ ngày 1-8-2016, thời điểm Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Theo văn bản quy phạm pháp luật này, người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền như nhau; mức phạt có thể lên tới 2 triệu đồng đối với ô tô và 400.000 đồng đối với xe máy.
Cũng từ đây, người ta tranh luận nhau đèn vàng có cần thiết hay không, bởi: Vượt đèn vàng cũng bị phạt, vượt đèn đỏ - hiển nhiên - cũng thế và mức phạt như nhau, vậy thì cần gì đèn vàng nữa? Bỏ bớt đèn vàng, có khi, lại làm lợi cho ngân sách cả khối tiền!
Về lý thuyết, người dân suy luận vậy là chẳng sai nhưng thực tế thì không như vậy. Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, cho biết việc áp dụng đèn vàng là theo Công ước quốc tế năm 1968, được nhiều nước áp dụng, có khác nhau là ở mức phạt. Một số nghiên cứu khoa học cũng kết luận đèn vàng giúp hạn chế tai nạn, cải thiện văn hóa giao thông đô thị. Vì vậy, không thể không phạt lỗi vượt đèn vàng và càng không thể bỏ đèn vàng trong hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Đại diện các cơ quan chuyên trách về an toàn giao thông gần đây cũng bảo lưu quan điểm này.
Nói “cứng” như vậy nhưng làm thì khác. Cụ thể, lực lượng trực tiếp tiến hành theo dõi, xử phạt là CSGT lại thấy không dễ chút nào. Hình dung được số trường hợp xử phạt sẽ tăng đột biến, nguy cơ gây ra ùn tắc giao thông là khó tránh và chắc chắn sẽ xảy ra tranh cãi, thậm chí xô xát giữa lực lượng thực thi công vụ và người bị xử phạt lỗi vượt đèn vàng, CSGT dường như đã lờ đi hành vi phạm lỗi này. Thế là, người đi đường vẫn vô tư vượt đèn vàng, dù có chút ý tứ hơn. Thành ra, luật có mà cũng như không!
Vậy gốc rễ vấn đề nằm ở đâu? Chính là do không được tuyên truyền cặn kẽ và đúng phương pháp nhưng quan trọng hơn cả là bởi lực lượng công vụ thực thi không nghiêm, tính khả thi lại thấp. Không chỉ Nghị định 46/2016/NĐ-CP, thực tế cho thấy nhiều quy định pháp lý khác đã bị mất giá trị là vì hiểu sao cũng đúng, làm sao cũng được, ví dụ như: cấm hút thuốc lá và xử phạt hút thuốc nơi công cộng, kê khai tài sản, thu nhập; người bán hàng rong phải khám sức khỏe…
Nhà làm luật thì ngồi phòng lạnh hoặc đi trên mây; cơ quan - đơn vị thi hành luật thì triển khai, áp dụng nửa vời còn người dân hoặc bất tuân hoặc đối phó. Cứ như vậy thì ngân sách mãi tốn tiền nuôi bộ máy mà hiệu quả quản lý nhà nước thì mơ hồ. Nghiêm trọng hơn, khi người dân lờn luật thì làm sao nhà nước quản lý và điều hành xã hội?!
Bình luận (0)