Những người làm nhiệm vụ giữ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (KBT) quây quần bên nhau dưới ánh lửa đón thời khắc giao thừa. Trong tiếng lồ ô nổ lụp bụp dưới sức nóng của ngọn lửa, các trạm trưởng, trạm phó kiểm lâm sau khi làm xong thủ tục cúng tổ tiên bắt đầu tặng bao lì xì cho các kiểm lâm viên.
Phút nghỉ chân của những người làm công tác giữ rừng.
Để kịp gửi lời chúc năm mới về cho gia đình, các kiểm lâm viên trẻ Trạm Kiểm lâm Suối Ràng lặng lẽ rời trạm, lấy xe máy chạy ngược lên con dốc Đất Đỏ, cách xa trạm gần 4km đón những bước sóng di động hiếm hoi gọi về nhà. Ngày tết của những người làm nhiệm vụ giữ rừng ở KBT vừa dạt dào cảm xúc đồng nghiệp, vừa bâng khuâng nhớ nhà như thế.
Phút giao thừa lặng lẽ
Gốc mai già bên hông Trạm Kiểm lâm Suối Kốp đã hé nụ, mai trong rừng nhiều cây vội vã nở hoa vàng. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Kốp Đặng Văn Long với trên 30 năm gắn bó với rừng, với những mùa xuân cùng đồng đội ăn tết trong rừng, tâm sự đêm giao thừa năm nào anh em trong trạm cũng nổi lửa nấu nồi bánh tét, bánh chưng, bày biện mâm ngũ quả và nhánh mai rừng lên bàn thờ tổ tiên, Bác Hồ. Bánh mứt, thức uống phần thì anh em trong trạm mua sắm, phần được Công đoàn KBT hỗ trợ. Gà thì có sẵn mấy chục con nhốt trong chuồng, chờ đồng đội đi trực về thịt để đãi khách, lãnh đạo đến thăm.
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có 18 trạm kiểm lâm, quản lý trên 100 ngàn hécta rừng tự nhiên và rừng trồng, 32,4 hécta mặt nước lòng hồ thủy điện Trị An. Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho hay, dù không được ăn tết bên gia đình, nhưng anh em kiểm lâm ở khu Bảo tồn vẫn có những thời khắc đón xuân theo cách riêng của mình với đầy đủ: bánh mứt, dưa, trà và một nhành mai rực rỡ đem từ rừng về.
Để đêm giao thừa bớt cô đơn đối với những người ở lại trực gác, các kiểm lâm viên ở KBT luôn chuẩn bị sẵn những đoạn lồ ô tươi khi được đốt nóng nổ giòn nhằm thay cho tiếng pháo nổ giòn. Tất cả kiểm lâm viên trong ca trực cứ vậy quây quần bên nhau cho đến sáng. Ngày đầu tiên của năm mới, các kiểm lâm viên vẫn không quên nhiệm vụ tuần tra một vòng các “điểm nóng” về cháy, trộm cắp lâm sản, săn bẫy thú rừng; luôn tiện tạt vào thăm các hộ dân thường sát cánh cùng các anh trong công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
Ngày tết, độ ẩm không khí càng xuống thấp, cái khô hanh của tiết xuân càng về trưa càng làm cho những người giữ rừng thêm cảnh giác. Chỉ cần một thông tin báo động, cảnh báo cháy rừng, tất cả lực lượng kiểm lâm đang túc trực tại rừng, kể cả những người được phép về nhà vui tết đều phải tức tốc quay về trạm hợp sức, triển khai công tác dập lửa. “Ngày tết, các trạm đều chia thành 2 ca trực. Mỗi ca trực do trưởng hoặc phó trạm phụ trách một nửa quân số. Các ca trực được nghỉ 1 ngày và tùy theo tình hình mà anh em về nhà vui tết cùng gia đình, hay ở lại trạm ăn tết” - ông Long cho biết thêm.
Mong rừng bình yên
Không phải lần đầu tiên mà rất nhiều lần khi đang vui tết cùng gia đình ở TP. Biên Hòa, ông Phạm Văn Nông, Trưởng bộ phận quản lý rừng Hạt Kiểm lâm KBT, quày quả quay trở lại rừng để giải quyết công việc. Có khi vừa cởi áo ra khi hết ca trực, ông đã vội vã mặc vào khi được lệnh của lãnh đạo KBT triển khai chống cháy rừng, truy quét trộm cắp lâm sản, săn bẫy thú rừng… Ông Nông bày tỏ, ngày tết được về thăm nhà hay ở lại trực gác, mọi người đều có chung tâm trạng mong cho rừng an bình. Có như vậy, ngày xuân của người dân mới được trọn vẹn.
Kiểm lâm trẻ Phan Đình Phong tâm sự chuyện giữ rừng ngày tết
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc KBT Trần Văn Mùi cho hay, theo quy định của KBT, bắt đầu mùa khô (từ tháng 12 năm cũ đến tháng 5 năm sau), tất cả cán bộ, nhân viên, kiểm lâm viên của KBT đều không được nghỉ phép năm. Đơn vị chỉ giải quyết phép năm cho những trường hợp đặc biệt, như bản thân hoặc gia đình có chuyện đột xuất. Mùa khô cũng là mùa xuân. Vì vậy, khát vọng đoàn tụ gia đình trong những ngày tết của các kiểm lâm viên KBT phải được nén nhịn trong lòng. Dù vậy, tất cả mọi người đều thấu hiểu trách nhiệm và vì tình yêu rừng mà vui vẻ chấp hành mệnh lệnh.
Có 4 năm ăn tết ở rừng vì quê nhà quá xa, kiểm lâm viên Phan Đình Phong (quê tỉnh Quảng Trị, Trạm Kiểm lâm cơ động KBT) luôn xung phong trực thay cho các đồng đội lớn tuổi, đã có gia đình. Đổi lại, kiểm lâm viên Phong được mọi người đón tiếp nồng hậu mỗi khi anh đến thăm nhà, hoặc hết ca trực được họ dẫn về nhà cùng vui tết muộn. Trước tết, kiểm lâm viên Phong cũng tìm cho mình nhánh phong lan, cành mai rừng thật đẹp gửi tặng bạn gái làm quà. Kiểm lâm viên Phong tâm sự, tuy ngày tết không được về sum họp cùng gia đình và bè bạn, nhưng anh vẫn thấy vui khi được chuyện trò với mọi người qua sóng điện thoại di động.
Gió rừng những ngày cận tết càng làm xao xuyến trái tim xa quê, xa gia đình của những kiêm lâm viên trẻ như các kiểm lâm viên Phong, Dũng, Nhật… Xuân này đã qua tuổi 50, nhưng ông Phạm Văn Nông vẫn nhớ hoài hình ảnh người thủ trưởng Xuất (nguyên Trưởng trạm Kiểm lâm Cù Đinh KBT) trong đêm giao thừa, khi ông còn là nhân viên trẻ, độc thân của trạm.
Ông Nông kể lại, nhìn anh em quây quần bên tấm bạt ny-lông trải ngoài sân dưới cái lạnh như cắt da thịt để chờ thủ trưởng Xuất cúng giao thừa xong mới chịu phát bao lì xì, khiến ông nhớ cha già nơi quê nhà đến rơi nước mắt. “Vì năm mới không ai muốn làm việc xấu với rừng nên anh em chúng tôi mới có được giây phút bình yên, bình tâm bên nhau đón thời khắc giao thừa” - ông Nông bộc bạch.
Bình luận (0)