Ở Nha Trang hiện có 4 khu chợ đêm hoạt động khá sầm uất là Phố đi bộ (46 Trần Phú), Nha Trang Market (đường Trần Quang Khải), Yasaka 9 market (khách sạn Yasaka Sài Gòn Nha Trang) và Tropicana Shopping (khách sạn Hải Yến, cùng ở đường Trần Phú).
Không lo chèo kéo, giành khách
Vài năm trở lại đây, lượng khách đến chợ đêm Nha Trang tăng đáng kể. Mỗi đêm, Phố đi bộ Nha Trang đón từ 3.000-5.000 lượt khách. Những chợ khác diện tích nhỏ hơn nhưng cũng đón trên dưới 1.500 lượt khách mỗi đêm.
Đông đúc, quy mô nhất là Phố đi bộ 46 Trần Phú của Công ty Yến sào Khánh Hòa, tọa lạc bên cạnh Trung tâm Hội nghị thành phố, đối diện Quảng trường 2 tháng 4. Chợ có trên 100 gian hàng, trong đó gần 20 gian hàng ẩm thực. Từ 17 giờ, chợ đã bắt đầu mở cửa. Ở đây, du khách có thể mua đồ mỹ nghệ tinh xảo và các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa như yến sào, trầm hương, hải sản khô do các công ty uy tín cung cấp. Khu chợ cũng thu hút du khách bởi các món ngon đặc trưng của vùng Nam Trung Bộ.
Bà Ngô Tấn Thủy Tiên - nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phố đi bộ, người đầu tiên phụ trách việc xây dựng chợ đêm Nha Trang - cho biết: Khu chợ thành lập vào Tết Canh Dần năm 2010 từ ý tưởng của các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Khi mới thành lập, tỉnh giao cho Công ty Yến sào Khánh Hòa triển khai nhằm tạo một điểm du lịch mới về đêm cho thành phố.
Với ý tưởng gần như tái hiện một chợ quê với lũy tre làng, con đò trên sông, chiếc xe thổ mộ, bên hàng cau, những bụi chuối sau hè trĩu quả, bà Tiên và các đồng nghiệp đã đến miền Tây tìm mua tre, lá dừa... Họ lùng khắp các địa phương mua thêm nguyên liệu nhằm tạo nên không gian đậm chất Việt Nam.
Sau 21 ngày làm việc cật lực, một phố đi bộ kết hợp chợ đêm với không gian làng quê Việt Nam đã ra đời kịp phục vụ du khách. Sau 2 năm (năm 2012), chợ đêm đã được Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất. Tiếp nối sự thành công của Phố đi bộ, các chợ đêm khác lần lượt ra đời, tạo nên sự phong phú, điểm đến hấp dẫn về đêm cho du khách.
Đi dọc các chợ đêm Yasaka 9 market, Tropicana Shopping và Phố đi bộ, chị Nguyễn Trần Khánh Chi (du khách TP HCM) nhận xét điều thú vị nhất khi đến đây là không khí mát mẻ, không có cảnh chèo kéo, tranh giành khách. Người bán rất hòa nhã, không ép buộc khách mua hàng. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ luôn túc trực giúp du khách thoải mái dạo chơi, an tâm không lo cướp giật.
Nỗi lo “chợ Trung Quốc”
Được chọn là 1 trong 10 khu chợ đêm nổi tiếng cả nước nhưng du khách đến chợ Nha Trang nhiều lúc chưa thấy hài lòng. Chị Lê Phương Mai (du khách Hà Nội) sau một vòng dạo chợ Yasaka 9 market, Phố đi bộ cho hay đồ mỹ nghệ làm từ ốc, sò khá đa dạng, chạm khắc thật đẹp. Tuy nhiên, lắc tay, đồ chơi trẻ em, đồ điện tử, nhiều đồ lưu niệm và sản phẩm khác có xuất xứ từ Trung Quốc. “Nên chăng, cơ quan chức năng hạn chế điều này để tránh trở thành phố đêm hàng Trung Quốc” - chị Mai góp ý.
Hiện ở chợ, nhiều quầy hàng bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Mặt hàng ngọc trai, đá quý thật, giả lẫn lộn. Khi hỏi nhân viên, họ nói rằng muốn biết thật hay không thì dùng lửa đốt; nếu bằng nhựa sẽ có mùi khét, còn thật thì không. Sau đó, nhân viên đốt thử cho chúng tôi xem rồi khẳng định đây là ngọc trai nuôi, giá vòng tay vài trăm ngàn, vòng cổ thì xấp xỉ 1 triệu đồng.
Dù được mục sở thị, chúng tôi vẫn bán tín bán nghi bởi các sản phẩm trên chưa có đơn vị nào đứng ra chứng nhận.
Ngay cả một du khách từ Mỹ, ông Mike Maynard, cũng nhận xét tinh tế: “Hàng hóa ở các quầy thường giống nhau và không hẳn chỉ có hàng sản xuất tại Việt Nam. Tôi đến đây mong muốn mua một thứ gì đó của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc, Singapore hay Thái Lan. Một món quà đậm chất Nha Trang, kiểu như đến Việt Nam phải mua cô gái mặc áo dài đội nón lá, còn đến Nha Trang du khách phải mua cái gì đó tương tự”.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó chánh Văn phòng UBND TP Nha Trang, thừa nhận một số hàng hóa ở các khu chợ thường nhập từ Trung Quốc về bày bán. TP đã liên tục rà soát để tránh hàng lậu, hàng kém chất lượng. Dù vậy, hàng Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã đa dạng, muốn cạnh tranh cần phải nâng cao chất lượng hàng Việt Nam hơn nữa. Các sản phẩm Việt cần có tính đặc trưng, đặc sắc như mỹ nghệ từ trầm hương, dừa khô, mây tre lá...
“Chúng tôi quản lý hàng hóa khá chặt chẽ. Các sản phẩm mới của các chủ lô đều phải được đăng ký mẫu mã, chủng loại, giá cả. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Chi cục QLTT Khánh Hòa kiểm tra, rà soát để phát hiện hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Còn xuất xứ hàng hóa, trung tâm chỉ có thể thường xuyên tuyên truyền người bán ưu tiên hàng Việt Nam chứ không thể cấm, không cho nhập hàng” - bà Hiền khẳng định.
“Bà mối” mát tay
Anh Nguyễn Văn Hiếu (sống ở TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đã tìm thấy một nửa của cuộc đời mình trong một lần dạo chợ đêm Nha Trang. Năm 2013, công ty anh cho nhân viên toàn hệ thống nghỉ dưỡng ở Nha Trang. Do mới vào làm nên không quen biết nhiều, buổi tối, anh Hiếu lang thang dạo phố, thấy chợ đêm ở Quảng trường 2 tháng 4 đông vui bèn ghé vào.
Tình cờ, anh Hiếu gặp Khánh, cô gái làm cùng công ty, cũng đang đi dạo chợ đêm một mình. Vậy là hai người quen nhau từ đó như một sự sắp xếp của duyên phận. “Đến năm nay, công ty lại tổ chức về Nha Trang, chúng tôi được dịp ôn lại chuyện xưa trước khi cưới nhau. Chợ đêm như kỷ niệm đẹp của hai chúng tôi” - anh Hiếu tâm sự.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-7
Kỳ tới: Đi chợ, mua... bực mình
Bình luận (0)