Mỗi độ thu về, khi từng đàn chim di cư tới đất liền cũng là lúc những “đội săn chim” thuộc xã Thạch Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đổ xô đi vặt cổ chim trời đem bán. Đây đã trở thành cái nghề được họ cho là đàng hoàng, bởi “chim trời cũng là lộc trời cho”.
Có mặt rất sớm trên vùng đất Thạch Bàn khi những đàn chim từ ngoài biển bay vào, mệt mỏi tìm nơi nghỉ chân. Sau vài phút làm quen, chúng tôi hòa vào đoàn người săn chim. Hai đầu gánh của mỗi thành viên trong đoàn chất đầy những chiếc bẫy. Người già, trẻ con lũ lượt kéo nhau đi như những đoàn quân.
“Án tử hình” cho chim trời
Những thợ săn lành nghề nhanh chóng dàn thế trận. Sau hai tiếng, cái ao lớn bỗng biến thành “ma trận” dẫn dụ đàn chim. Bẫy chim được bôi một lớp keo nhạ kiếm từ rừng, có khả năng kết dính rất tốt.
“Bẫy chủ yếu được đặt ở vùng ao hồ, sông, kênh... nơi chim thường đến nghỉ chân hoặc kiếm thức ăn, nước uống” - anh Hùng (thôn 7, Thạch Bàn), người đã hành nghề săn chim suốt bảy năm qua, giải thích. Những “trận địa” được bố trí tương đối công phu với những công nghệ mới khiến chim trời khó thoát khỏi cửa tử.
Những “ma trận” chim giả được bố trí rất công phu. Ảnh: V.LONG
Để đánh lừa đàn chim, anh Hùng đã bài binh bố trận hết sức kỹ càng. Cứ cách 10m anh lại đặt một con chim thật như cò, vạc... đã bị buộc chân, được huấn luyện những động tác đập cánh, gọi bạn tình... để đánh lừa cả đàn. Khi chúng lượn xuống, chắc chắn sẽ bị sa lưới bởi lớp keo nhạ.
Ông Trần Văn Bá (thôn 2, Thạch Bàn) là một người đầy kinh nghiệm với 12 năm trong nghề săn chim. Ông vừa đặt bẫy vừa tranh thủ ngồi vót tiếp những cái bẫy khác. Không lâu sau đó, một đàn cò đã lượn xuống và bảy con bị “dính đạn” ngay lập tức. “Đó là còn ít. Nếu đàn đông, có lúc bắt được 20-25 con là chuyện bình thường...” - ông nói.
Vào thời hoàng kim, ông thường sử dụng lưới đan bằng sợi cước mảnh, sắp theo hình chữ L, ban ngày có căng mắt cũng khó phát hiện. Tiếp đó, ông đặt hai con cò buộc chân vào trong lưới để đánh lừa. Nếu có đàn chim nào sà xuống, bốn tấm lưới được sắp xếp theo “liên hoàn trận” lập tức úp lại.
Nhiều lúc “cất” một lần khoảng vài chục con, có khi vừa ăn vừa bán vẫn không hết. Giờ chim chóc ít dần, muốn bắt được chúng phải có kinh nghiệm về hướng gió và ngày giờ. Cách bắt tốt nhất vẫn là dùng keo nhạ vì số lượng chim đã giảm mạnh.
“Năm năm trước, cứ tới mùa này, cò đậu trắng cả cây cối, sông suối. Nay số lượng chim tìm tới đây ngày càng giảm. Nhưng bắt nhiều quá nên chim khiếp, không dám về nữa” - ông Bá cười đầy thất vọng. Không chỉ dùng lưới và keo, thường ngày người trong thôn vẫn dùng các loại súng hơi sát hại chim trời.
Mưu sinh nhờ... chim
Từ nhiều năm qua, cuộc sống của không ít người dân nơi đây dựa vào nghề săn chim vì nó đem lại thu nhập cao. Với nghề săn chim, một người kiếm ít nhất cũng 200.000-250.000 đồng/ngày. Vì thế, những đứa trẻ mới 13-14 tuổi cũng nối gót người lớn lao đi vặt cổ chim trời.
Ông Nguyễn Thành Trung (thôn 1, Thạch Bàn) tủm tỉm cười khi nhìn những con chim lần lượt lạc vào “ma trận” ông đã giăng. Chỉ cần dính vào lông coi như toi mạng. “Bắt được con nào cứ nhốt hết vào rọ rồi đem ra chợ hoặc các cửa hàng mình quen. Nghề này chỉ sợ không có mà bán chứ người mua thì nhiều lắm!” - ông Trung cho biết.
Những chú chim xấu số bị dính bẫy chờ lên thớt. Ảnh: V.LONG
Một con cò có giá 20.000 đồng, vạc 25.000-30.000 đồng/con. Chỉ tính sơ, mỗi ngày xã Thạch Bàn đón không dưới 1.000 con chim các loài. Vì vậy, vùng này được xem là nguồn cung cấp chim thường xuyên cho các nhà hàng, khách sạn. Xung quanh vùng biển Thạch Bàn, hàng trăm quán nhậu đặc sản chim cò đua nhau mọc lên.
Mỗi nhà một thợ săn chim
Khi chim trời trở thành đặc sản cho các đại gia thì việc săn bắt chim trở thành kế mưu sinh của nhiều người dân. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chim bị lên thớt ngày càng nhiều. Chỉ riêng “đội quân săn chim” tôi tham gia đã có đến 20 người. Đó là chưa kể những đội quân đang mai phục ở nhiều nơi khác.
“Mỗi gia đình ít nhất cũng có một người đi bẫy chim. Nhà tui có tới ba cha con. Trung bình một ngày mình tui bắt được vài chục con là chuyện thường...” - ông Trung chia sẻ.
Thật lạ khi nghề săn chim diễn ra rầm rộ như vậy nhưng vẫn không bị chính quyền địa phương ngăn cản. “Tui làm cái nghề này mười năm rồi mà cũng chẳng có ai nói là cấm bắt gì cả. Mấy năm trước tui chỉ nghe mang máng là không cho dùng súng bắn chim thôi” - ông Nguyễn Văn Hậu, người thôn 1, Thạch Bàn nói.
Chính vì sự buông lỏng của địa phương nên chim trời, cá nước vẫn là “lộc trời” trong mắt người dân. Vì vậy, họ cứ thản nhiên vặt lông. Với sức hủy diệt khủng khiếp như vậy, những “đội săn chim” đã biến nơi đây thành vùng đất dữ. Cảnh đất lành chim đậu... ngày nào chắc sẽ trở thành quá khứ vào một ngày không xa.
Bình luận (0)