Ngày 19-11, tôi truy cập website của Phòng khám Đa khoa Thế Giới (đường Võ Văn Kiệt, quận 5, TP HCM) để tìm hiểu, lập tức được một bác sĩ liên hệ và xin số điện thoại để tư vấn. Sau vài câu hỏi thăm về tình hình sức khỏe, độ tuổi, vị bác sĩ hẹn tôi đến phòng khám để được kiểm tra miễn phí.
Kê đủ thứ tiền
Hôm sau, tôi có mặt tại Phòng khám Đa khoa Thế Giới. Ban đầu, tôi được một y tá đo huyết áp, cân nặng và đưa lên phòng chẩn đoán. Thay vì kiểm tra bằng các thiết bị chuyên dùng, bác sĩ nơi đây chỉ dùng ống nghe xem tim mạch, hỏi thăm về chuyện “giường chiếu” và yêu cầu nên kiểm tra bộ phân sinh dục để xem có mắc bệnh nam khoa không.
Tiếp đến, một nhân viên yêu cầu tôi lên tầng 2 của tòa nhà đóng chi phí khám bệnh với số tiền 1,2 triệu đồng. Khi tôi thắc mắc vì sao nói khám miễn phí mà lại thu tiền thì một nhân viên cho biết đã “đoán được bệnh” nên giờ phải đóng tiền để siêu âm, xét nghiệm máu và thử nước tiểu. Tôi phản ứng với lý do chưa nghe bác sĩ nói bệnh gì thì nhân viên này phán: “Anh có biểu hiện về bệnh nam khoa”.
Sau khi đóng tiền, tôi được một y tá lấy máu và đưa lên phòng siêu âm. Tại đây, một bác sĩ khám vùng bụng và khẳng định tôi bị gan nhiễm mỡ. Tiếp đến, nhân viên yêu cầu tôi đi lấy nước tiểu và lên tầng 7 của tòa nhà, nằm trên một chiếc giường, xung quanh chỉ có 2 máy nội soi rất thô sơ.
Sau vài phút chờ đợi, nữ thông dịch viên và một bác sĩ người Trung Quốc đến kiểm tra bằng cách dùng ống xi-lanh bơm một chất dịch trong suốt vào bộ phận sinh dục của tôi với lời giải thích là “thuốc tê để kiểm tra đường tiết niệu”. Sau vài giây, vị bác sĩ người Trung Quốc thở dài, lắc đầu và nói điều gì đó với nữ thông dịch viên. Tiếp đến, 2 nhân viên bên ngoài bước vào săm soi “cậu nhỏ” của tôi và lắc đầu theo.
“Tuyến tiền liệt của em bị viêm rất nặng. Đây là hệ thống sinh sản của đàn ông. Viêm nhiễm như vậy khiến em bị xuất tinh sớm, cương không đủ cứng. Ít lâu nữa sẽ tiểu ra máu, vô sinh. Em nên xử lý khẩn trương kẻo hậu quả rất nghiêm trọng” - nữ thông dịch viên nói và đưa ra phác đồ điều trị bằng cách bơm thuốc vào tuyến tiền liệt. Theo đó, nếu bơm bằng tay thì chi phí là 4,8 triệu đồng, khả năng đau hơn bơm bằng máy với giá 6,8 triệu đồng. Kèm theo đó, bệnh nhân phải uống thuốc suốt một tuần.
Tôi cho biết không còn tiền để điều trị, các nhân viên phòng khám ra vẻ thông cảm: “Còn bao nhiêu cứ ứng trước và sẽ cho nợ”. Tuy nhiên, khi tôi khước từ thì lập tức các bác sĩ, nhân viên liên tục hù dọa bằng những hình ảnh và biểu hiện căn bệnh mà họ đã chẩn đoán. Một nhân viên chỉ vào tấm hình bộ phận sinh dục đầy lở loét trên tường, tuyên bố: “Ít tháng nữa, em sẽ bị như vậy”.
Kê thuốc “độc quyền”
Đầu tháng 11-2016, tôi theo một nữ bệnh nhân tên L.N.P (20 tuổi; ngụ quận 11, TP HCM) đến Phòng khám Ba Tháng Hai (đường 3 Tháng 2, quận 11, TP HCM) để kiểm tra sức khỏe. Khi đến nơi, nhân viên phòng khám yêu cầu chị P. đóng hơn 2 triệu đồng để khám ban đầu.
Sau khi lấy máu, kiểm tra, một bác sĩ người Trung Quốc có tên Zhou Xue Mei kết luận chị bị viêm nấm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung và gợi ý phải đốt cổ tử cung. Thấy chị P. có vẻ chần chừ, thông dịch viên nói lại với vị bác sĩ người Trung Quốc, sau đó các nhân viên phòng khám liên tục hù dọa rằng chị bị thêm bệnh trĩ và yêu cầu mổ gấp. Do không đủ tiền, chị P. hẹn ngày mai quay lại.
Hôm sau, chị P. đóng hơn 8 triệu đồng và được đưa vào phòng mổ để đốt cổ tử cung, cắt phần trĩ hậu môn. Trong lúc mổ, vị bác sĩ người Trung Quốc tiếp tục cho biết chị P. đã bị trĩ nội nên phải đóng thêm tiền để điều trị cho dứt điểm. Chị P. không đủ tiền, các bác sĩ ghi vào phiếu khám bệnh dòng chữ “còn nợ 1,3 triệu đồng” rồi hẹn hôm sau đến trả.
Trong lần tái khám, một nhân viên liên tục đến trò chuyện rất thân mật và mời chào chị P. tham gia các gói dịch vụ khác để bảo đảm sức khỏe với tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Cuối buổi điều trị, người này dẫn chị P. xuống khu vực thu ngân và khuyên: “Chị phải liên tục điều trị 5 ngày nữa mới hết hẳn, bệnh nặng lắm”.
Thấy số tiền lớn dần, chị P. hỏi có thuốc uống để dứt bệnh không thì người này vội cầm sổ khám bệnh lên gặp bác sĩ, sau đó kê một toa thuốc gồm 10 gói với số tiền 4 triệu đồng kèm theo lưu ý: “Thuốc này chỉ phòng khám mới có, chị ra ngoài tìm không thấy đâu”.
“Cứ vào là phải mổ”
Để kiểm tra, tôi cùng chị P. đến gặp bác sĩ Dương Phương Mai, Phó Giám đốc Y khoa Bệnh viện Phụ sản Quốc tế. Sau khi xem sổ bệnh án của chị P., bác sĩ Mai thốt lên: “Sai phương pháp hoàn toàn”. Theo bác sĩ Mai, chị P. chưa sinh con nên không thể đốt cổ tử cung vì dễ gây vô sinh. Qua kiểm tra, bác sĩ Mai nhận định chị P. không bị viêm, nhiễm gì liên quan đến tử cung và các bộ phận khác.
Về bản thân tôi, kết quả kiểm tra tại Bệnh viên Bình Dân và Bệnh viện Phụ sản Quốc tế đều không mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt như kết luận của vị bác sĩ người Trung Quốc ở Phòng khám Đa khoa Thế Giới.
Theo bác sĩ Dương Phương Mai, mỗi ngày có ít nhất 10 bệnh nhân bị biến chứng sau khi điều trị tại các phòng khám Trung Quốc đến Bệnh viện Phụ sản Quốc tế để giải quyết hậu quả. “Hễ ai vào các phòng khám Trung Quốc là đều bắt phải mổ dù họ không bệnh gì. Nhiều người suýt mất đi thiên chức làm cha, làm mẹ khi tin lời bác sĩ không uy tín” - bác sĩ Mai nói.
Cho uống thuốc có khả năng sẩy thai
Ngày 30-7, chị N.T.B.Đ (24 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) bị đau bụng dưới, tiểu ra máu nên đến Phòng khám Đa khoa Đại Đông (quận Tân Bình, TP HCM) để điều trị.
Sau khi khám, một bác sĩ người Trung Quốc có tên Fu Guo Fang kết luận chị bị viêm âm đạo, lộ cổ tử cung, nếu không điều trị sẽ vô sinh. Sau đó, bác sĩ này đưa ra một phác đồ điều trị bằng cách truyền dịch và uống 2 loại thuốc. Qua 10 ngày điều trị, chị Đ. tốn tổng chi phí gần 34 triệu đồng nhưng bệnh không giảm nên đến Bệnh viện quận Tân Bình để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ phát hiện chị Đ. mang thai 5 tuần và 2 loại thuốc được cho uống có khả năng gây sẩy thai.
Tiền mất lại thêm bệnh
Chị T.N.T.H (ngụ quận 4, TP HCM) tìm hiểu trên mạng và thấy Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu (đường Châu Văn Liêm, quận 5) đăng tải thông tin kèm theo lời quảng cáo hấp dẫn: “Tư vấn miễn phí, thiết bị hiện đại, chuyên chữa các bệnh xã hội…” nên liên lạc và nhân viên tư vấn rất nhiệt tình.
Khi đến phòng khám, chị H. được các nhân viên dẫn đi siêu âm, nội soi, thử máu và kiểm tra nước tiểu. Tiếp đến, một bác sĩ người Trung Quốc kết luận chị bị viêm âm đạo, viêm loét cổ tử cung và chuẩn bị ung thư, ứ dịch vùng chậu, nang cổ tử cung… “Nghe đến đây, tôi chết điếng” - chị H. kể.
Sau đó, bác sĩ người Trung Quốc yêu cầu chị H. phải mổ với các mức giá khác nhau. Trong đó, phẫu thuật cổ tử cung có 3 mức giá: 5,8 triệu đồng, 9,8 triệu đồng và 13,8 triệu đồng. Về điều trị nang cổ tử cung, mức giá dao động từ 9,8 triệu đồng đến 19,8 triệu đồng.
Chị H. đồng ý với 2 gói phẫu thuật lần lượt là 9,8 triệu đồng và 16,8 triệu đồng. Tưởng chừng số tiền này sẽ chấm dứt căn bệnh của mình nhưng sau đó, chị H. được y tá yêu cầu đóng thêm 12,8 triệu đồng để hút dịch tràn ra ngoài. Cuối cùng, chị H. phải đóng gần 40 triệu đồng.
Chưa hết, nhân viên nơi đây tiếp tục yêu cầu chị H. truyền thuốc 8 ngày liên tục để phục hồi sức khỏe, chi phí 700.000 đồng/ngày. Thấy giá thuốc cao nên chị H. tính ra ngoài mua thì các nhân viên ngăn cản và cho biết thuốc do bệnh viện tự sản xuất nên không thể tìm thấy ở bên ngoài. Không còn cách nào khác, chị H. đành bỏ thêm gần 30 triệu đồng để mang thuốc về uống.
Không yên tâm, chị H. đến Bệnh viện Phụ sản Quốc tế để kiểm tra và các bác sĩ khẳng định không hề có bệnh gì, cổ tử cung cũng không bị viêm loét, việc mổ chỉ là phòng khám tự vẽ để lấy tiền. “Tổng chi phí điều trị tại phòng khám Trung Quốc lên đến 70 triệu đồng. Giờ vừa mất tiền vừa mất sức khỏe” - chị H. thở dài.
Đầu tháng 10-2016, anh N.T.N (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) đến Phòng khám Đa khoa Thế Giới để điều trị bệnh sùi mào gà. “Một bác sĩ người Trung Quốc mới xem sơ qua bộ phân sinh dục đã nói tôi mắc bệnh trĩ ngoại, sùi mào gà giai đoạn 3, tiểu phẫu mới hết. Về chi phí, tôi phải đóng hơn 6 triệu đồng để mua 3 lọ thuốc bôi và 10,8 triệu đồng tiền phẫu thuật” - anh N. kể.
Bảy ngày sau, anh N. quay lại tái khám thì vị bác sĩ người Trung Quốc kết luận bị trĩ nội, phải đóng thêm 10 triệu đồng để chữa trị. “Tôi hỏi vì sao lúc đầu không phát hiện để mổ cùng lúc thì họ đánh trống lảng” - anh N. bức xúc. Sau đó, anh N. đến Bệnh viện Bình Dân khám thì các bác sĩ khẳng định những vết đốt mào gà là sai phương pháp, cắt trĩ gây sưng phù. Hậu quả, anh N. phải uống thuốc hơn nửa tháng.
Kỳ tới: Khó xử lý!
Bình luận (0)