Chiều 2-4 , Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2, đại diện chủ đầu tư thừa nhận, các vết nứt mặt cầu Thăng Long được phát hiện đầu tháng 3 chỉ được trám vá tạm thời, chưa sửa chữa đồng bộ. Các vết này đang bị xé rộng hơn.
Theo ông Thể, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo việc sửa chữa mặt cầu phải kết thúc trước 31/3. Song mấy hôm nay, thời tiết không thuận lợi cho việc sửa chữa nên đơn vị thi công phải tạm ngừng. Ngoài ra, do thoát nước trên mặt cầu không tốt nên càng gây đọng nước tại các vết nứt và trên mặt cầu.
Các vết nứt ngày càng bị xé rộng. Ảnh: Hoàng Hà.
"Việc trám vá cầu Thăng Long phải thực hiện vào trời nắng nên có thể đến chủ nhật mới bắt đầu sửa chữa mặt cầu và kết thúc vào tuần tới. Tôi tin các vị trí được sửa chữa xong sẽ không tiếp tục nứt", đại diện chủ đầu tư khẳng định.
Diện tích mặt cầu Thăng Long phải xử lý do vết nứt là 200 m2, đơn vị thi công sẽ bóc tách toàn bộ mặt cầu, thảm lại bê tông nhựa SMA với nhiệt độ từ 120 đến 170 độ C.
Ông Nguyễn Năng Thể cũng cho biết, các chuyên gia chuyển giao công nghệ chống thấm từ Anh và bê tông nhựa từ Singapore đã đến kiểm tra hiện trường. Họ đều đánh giá các vết nứt tại cầu Thăng Long là bất thường, chưa từng xảy ra tại các công trình trên thế giới. Các chuyên gia này đã lấy mẫu tại hiện trường để kiểm nghiệm song chưa đưa ra kết luận chính thức.
Ba tháng sau khi thông xe, cây cầu huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, lồi lõm. Viện Khoa học và Công nghệ giao thông (đơn vị tư vấn giám sát) giải thích do không lường trước yếu tố bất lợi của thời tiết nên một số mẻ bê tông nhựa không đạt chất lượng, gây nứt vỡ mặt cầu Thăng Long.
Ngay sau đó, những vết nứt đã được trám lại, song chúng lại tiếp tục nứt và xuất hiện thêm nhiều vết mới.
Bình luận (0)