Trong những năm qua, nhiều dự án tái định cư (TĐC), định canh cho người dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư với số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Tiếc thay, bên cạnh một số khu tái định cư, định canh có được hiệu quả bước đầu thì hiện có rất nhiều khu TĐC không mang lại hiệu quả, gây lãng phí lớn do nhiều hộ dân không mặn mà.
Chỉ để tránh lũ
Năm 2010, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đầu tư 4,1 tỉ đồng để xây dựng khu TĐC Gò Tranh có diện tích 26.000 m2 nhằm đưa 73 hộ dân nghèo ở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành nằm trong vùng sạt lở núi, bờ sông đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống lâu dài.
Thế nhưng mới đây, có dịp trở lại khu TĐC Gò Tranh này, chúng tôi chứng kiến nghịch cảnh hàng loạt khu nhà được đầu tư khá khang trang, xây dựng bài bản và có hệ thống điện, nước, trường học, trạm y tế đầy đủ nhưng không một bóng người.
Phải mất hơn nửa giờ lang thang, chúng tôi mới gặp anh Trần Văn Thái (ngụ xã Hành Thịnh) đang đeo trên mình một bó củi với vẻ mệt nhọc. Anh Thái cho biết từ khi chuyển về nơi TĐC, vì không có đất sản xuất nên hằng ngày anh và những người dân ở đây phải trở về nơi ở cũ làm lụng, kiếm củi, đổi gạo ăn.
“Ban đầu, đến chỗ ở mới, người dân chúng tôi hết sức vui mừng vì thấy khu TĐC được xây dựng bề thế. Tuy nhiên, càng ở lâu, chúng tôi càng thấy ngán. Trong khi đất sản xuất tại nơi ở mới chẳng được cấp thì đất sản xuất ở nơi cũ vẫn còn. Ai đời ở một nơi, đi làm một nơi, lại xa xôi, vất vả. Nghĩ vậy nên bà con ai cũng quay về chốn cũ. Chỉ khi mùa lũ dâng cao, dân chúng tôi mới dọn đến khu TĐC này để tránh” - anh Thái nói.
Theo anh Thái, đa phần hộ dân trong khu TĐC là nghèo nên phải bươn chải kiếm sống bằng những công việc đồng áng, nương rẫy. “Về nơi ở mới, dù có khang trang nhưng không đất sản xuất thì chẳng lẽ uống nước lã để sống… Mang tiếng khu TĐC nhưng nên gọi là khu nhà hoang thì đúng hơn. Nhà to nhưng cái bụng không no, lấy gì vui cho nổi?” - anh Thái chua chát.
Ông Huỳnh Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh, phân trần: “Đúng là hạ tầng khu TĐC này được xây dựng khang trang, bảo đảm thật nhưng thiếu một cái cơ bản là đất sản xuất cho người dân nên không ai đến ở. Chúng tôi cũng từng xem xét cấp đất sản xuất cho người dân mới thu hút được họ về điểm TĐC nhưng vì quỹ đất sản xuất eo hẹp, trong khi những vùng đất sản xuất mới thì người dân không mặn mà. Đành phải nhìn khu TĐC rơi vào cảnh trống vắng”.
Chính quyền cũng khó giải quyết
Rời khu TĐC Gò Tranh, chúng tôi tìm đến khu TĐC Cây Chò ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân, huyện Trà Bồng.
Nhìn từ ngoài vào, toàn khu TĐC có hàng chục căn nhà được xây dựng khá khang trang, đầy đủ điện, nước sạch, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa... nhưng cũng không một bóng người. Nhiều căn nhà trong tình cảnh cỏ mọc um tùm, nền móng sụt lún, hư hỏng, tường đầy những vết loang lổ, rêu phủ.
Hỏi chính quyền địa phương, chúng tôi được biết cách đây 4 năm, vì thấy 27 hộ dân ở tổ Nước Lát, thôn Trà Ót có nguy cơ bị sạt lở cao, đối diện với những cơn lũ khủng khiếp nên UBND huyện Trà Bồng quyết định đầu tư khu TĐC Cây Chò với tổng kinh phí trên 1 tỉ đồng. Thế nhưng, cũng như nhiều khu TĐC khác ở tỉnh Quảng Ngãi, nơi đây không có đất sản xuất nên các hộ dân lần lượt dọn về nơi ở cũ.
Ghé vào nhà ông Hồ Văn Thắng, một trong số ít hộ còn trụ lại ở khu TĐC, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng nhói lòng. Toàn ngôi nhà khoảng 30 m2 nhưng không có một vật dụng gì đáng giá, mà chỉ vỏn vẹn những chiếc nồi cũ kỹ, méo mó. Ngôi nhà trống hoác vì cửa bị hư hỏng, tường mốc meo.
Ông Thắng than thở: “Ngày trước, gia đình tôi nuôi được 2 con bò, trồng vài sào lúa rẫy, bắp… Tuy không dư dả nhưng cũng đủ nuôi sống 5 nhân khẩu. Thế nhưng, giờ chuyển về đây, chúng tôi không có đất sản xuất nên không biết làm gì cả. Bây giờ, đành để các cháu ở lại đây cho gần trường, còn 2 vợ chồng quay về nơi ở cũ làm ruộng. Vì 2 nơi cách nhau quá xa, đi bộ cả nửa ngày đường mới tới nên lâu lâu 2 vợ chồng mới về thăm con. Ở đây, không có cha mẹ, các cháu còn nhỏ dại nên bữa đực bữa cái thảm lắm”.
Ông Hà Việt Bồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân, cho biết toàn khu TĐC có 27 hộ thì tất cả đều là hộ nghèo.
“Hồi trước, chúng tôi vận động lắm người dân mới chịu dọn về khu TĐC. Về nơi ở mới, cuộc sống của người dân khó khăn hơn nên dần dà chỉ một thời gian ngắn là họ rủ nhau quay về nơi ở cũ. Bây giờ, cả khu TĐC chỉ còn 7 hộ. Chúng tôi cũng rất lúng túng, không biết có nên vận động người dân quay lại khu TĐC không? Vận động quay về thì người dân sẽ không có đất sản xuất, lâm vào tình cảnh đói khổ, trong khi nơi ở cũ thì luôn đối mặt sạt lở, lũ lụt” - ông Bồng than thở.
Kỳ tới: Mặc dân chê, cứ đầu tư
Sẽ xem xét chính sách ưu đãi, hỗ trợ
Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, lý giải rằng trước kia, đa phần người dân trong khu TĐC Cây Chò sống theo tập quán du canh du cư. Do đó, việc vận động người dân ở lại khu TĐC là hết sức khó khăn.
“Trước mắt, để giải quyết khó khăn về đất sản xuất cho người dân ở khu TĐC Cây Chò, huyện đang tiến hành rà soát lại quỹ đất ở Lâm trường Trà Tân gần đó, ưu tiên cấp đất cho 27 hộ dân. Về lâu dài, chúng tôi cũng đang xem xét những chính sách như cho vay ưu đãi, hỗ trợ kinh tế sớm ổn định cuộc sống” - ông Sương nói.
Bình luận (0)