Quận 1 là tâm điểm của "chiến dịch" giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Sau nhiều đợt ra quân rầm rộ, hiện tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên nhiều con đường đã trở lại như trước.
Điển hình là vỉa hè trước nhà hàng Biển Dương ở đường Nguyễn Thái Học, từng bị xử phạt do lấn chiếm hôm 26-2. Tuy nhiên, tối 25 và 26-5, tình trạng này tái diễn. Ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, ô tô đậu sai quy định thời điểm nào cũng có vài chiếc.
Đường Phạm Văn Đồng được Báo Người Lao Động phản ánh qua bài viết "Bí mật vỉa hè đường Phạm Văn Đồng" do có nhiều quán nhậu chiếm vỉa hè và cho nhân viên xuống đường giành khách. Sau đó, UBND quận Bình Thạnh phản hồi là "Bình Thạnh sẽ liên tục ra quân túc trực trên đường Phạm Văn Đồng, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới để dẹp nạn lấn chiếm". Nhưng lời hứa và hành động không giống nhau. Vỉa hè đã bị tái chiếm trong những ngày cuối tháng 5 và hiếm thấy lực lượng chức năng ra quân xử lý.
Quận 5 được cho là không mạnh tay trong "chiến dịch" giành lại vỉa hè. Thực tế, bất kể giờ nào, ngày nào vỉa hè đường Nguyễn Trãi ở quận này cũng thấy các cửa hàng quần áo bày khắp nơi. Đường Nguyễn Văn Cừ gần đó, đoạn gần quán cà phê Rita Võ và nhà hàng Biển Việt, tối nào cũng có gần chục chiếc ô tô "ôm" trọn vỉa hè. Đường Lý Thái Tổ ở quận 10 cũng được đích thân phó chủ tịch UBND quận "xuống đường" giành lại vỉa hè vào giữa tháng 3. Chỉ một tháng sau, tình trạng tái chiếm không những như xưa mà còn rầm rộ hơn.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên đường 3 Tháng 2, quận 10, TP HCM
Tại quận 7, bà Phạm Thị Ngọc (41 tuổi) cho biết trước kia sống ở quận 8 bằng nghề bán cháo lòng. Khi bị giải tỏa, gia đình được đưa về sống tại chung cư tái định cư Tân Mỹ (quận 7). Để nuôi con, bà bán cháo lòng trên vỉa hè vì nhà ở tận "trên trời". Đầu năm 2017, khi TP rầm rộ "chiến dịch" giành lại vỉa hè, gia đình bà đẩy xe chạy khắp nơi nên thu nhập giảm, có tháng thiếu tiền mua gạo. Tuy nhiên, niềm vui đến khi quận 7 và Ban Quản lý khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho phép người bán hàng rong kinh doanh lúc sáng sớm. Thế là cứ 5 giờ, bà cùng nhiều người đẩy xe thức ăn và nước giải khát đến đường Nguyễn Lương Bằng, trước Bệnh viện Tim Tâm Đức, bán cho công nhân xây dựng và những người đi làm sớm. Đúng 6 giờ 30 phút, tất cả thu dọn hàng quán, quét dọn sạch sẽ và đi nơi khác, vỉa hè thông thoáng trở lại.
Bà Ngọc phấn chấn: "Chính quyền đã tạo điều kiện cho chúng tôi khoảng gần 2 giờ mỗi ngày, bán được vài chục tô cháo cũng đủ lo chi phí sinh hoạt. Tôi rất mong nơi khác cũng cho người nghèo kinh doanh theo giờ".
Đồng quan điểm với bà Ngọc, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhìn nhận: "Ở trung tâm quận 1, nếu làm căn cơ thì các quán cơm bình dân không còn. Người lao động thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng làm sao dám vào quán cơm văn phòng giá 35.000-50.000 đồng/suất để ăn trưa. Vì vậy, nên cho người nghèo bán cơm, đồ ăn từ 11 giờ đến 12 giờ 30 phút trên vỉa hè. Ngoài thời gian đó, tất cả phải trả lại mặt bằng, thu dọn sạch sẽ".
Ông Hòa dẫn chứng tại trung tâm thủ đô Bangkok - Thái Lan, vào buổi trưa, người bán hàng rong được bày ra bán, giờ cao điểm thì tất cả phải thu dọn. Tất nhiên, người bán hàng phải trả tiền thuê vỉa hè theo diện tích chiếm dụng.
Cấp phường là chủ lực, quận tiếp sức
Theo ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, quận này có nhiều công nhân sinh sống và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán hàng rong trên vỉa hè. Nơi đây cũng có hàng trăm tuyến đường lớn nhỏ nên công tác xử lý lấn chiếm vỉa hè phải thực hiện từng bước, có lộ trình và kế hoạch cho từng con đường.
Bước 1, lãnh đạo UBND quận và các phòng chức năng kiểm tra, nhắc nhở và xử lý. Bước 2, giao UBND cấp phường duy trì không để vỉa hè bị tái chiếm. Mỗi quý đều sơ kết đánh giá tuyến đường nào làm thành công. Nếu phường nào còn khó khăn thì quận tăng cường lực lượng.
Riêng tại KCN Pou Yuen, mỗi lần tan ca có 90.000 công nhân đi về, kéo theo đó là hàng trăm xe đẩy bán thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt. Lực lượng trật tự đô thị cả cấp phường và quận tổng số chỉ hơn 150 người nên không thể bao quát hết. Trong khi đó, người buôn bán rất khôn khéo. Họ vừa đẩy xe di chuyển theo các đoàn công nhân vừa bán hàng nên rất khó xử lý.
"Với tình hình như vậy, chúng tôi phối hợp lực lượng CSGT để "lách" sang hướng xử lý việc sử dụng xe "mù", xe tự chế nhằm ngăn chặn. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mở những cửa hàng bách hóa xanh, cửa hàng tiện ích. Từ đó, công nhân sẽ có địa chỉ mua sắm giá rẻ, tin cậy. Tất nhiên, cách làm đó không phải là làm để lấy thành tích mà bỏ quên người bán hàng rong. Chúng tôi đang rà soát các khu đất trống và khuyến khích dân hiến đất mở chợ để gom hàng rong" - ông Bình nói.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9:
"Xìu" một tí là tái chiếm
Đoàn liên ngành của quận 9 mỗi tuần 2 ngày xuống đường kiểm tra, xử lý vi phạm. Điều ghi nhận là nhiều tuyến đường chuyển biến rất rõ như: Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp. Tuy nhiên, tại đây thi thoảng vẫn còn cảnh người buôn bán hoặc để các vật dụng, xe máy lấn chiếm lòng lề đường.
Việc giành lại vỉa hè rất phức tạp nên phải làm thường xuyên, lâu dài, nếu "xìu" một tí là tái chiếm. Thật sự, công tác tuyên truyền là yếu tố hàng đầu và ý thức của người dân là quan trọng nhất. Nếu người dân ý thức được việc này thì sẽ không tái lấn chiếm. Hiện cũng đang có tình trạng khi lập biên bản hộ dân có bậc tam cấp lấn chiếm, dân đồng ý ký thừa nhận sai phạm nhưng không chịu tháo dỡ, đợi chính quyền xuống tháo dỡ để đỡ phải tốn tiền.
Ông Trần Việt Lâm, Đội trưởng Đội Trật tự đô thị quận 3:
Kiểm tra chéo, tránh tiêu cực
Chúng tôi đưa ra nhiều phương án trong công tác lập lại trật tự vỉa hè. Trong đó, điểm mới lần này là cho UBND, lực lượng trật tự đô thị của phường này qua phường kia kiểm tra. Từ đó, các hàng quán, nhà hàng không còn nạn lấn chiếm như trước. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp Đội Cảnh sát trật tự của công an quận cùng nhiều lực lượng khác để kiểm tra ô tô, xe máy đậu lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Công tác này duy trì thường xuyên, không ngừng nghỉ.
Bà Trương Thị Minh Tín, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân:
Phạt nặng và rất nặng!
Bây giờ không còn là giai đoạn tuyên truyền, nhắc nhở nữa mà phải áp dụng chế tài nặng. Mỗi tuần, tôi cùng anh em ra quân 4 lần để kiểm tra và hễ thấy cửa hàng, quán ăn nào chỉ cần để 1 tấm bảng ra vỉa hè là phạt 2,5 triệu đồng. Những trường hợp chây ì, chúng tôi phạt nặng và phạt nhiều lỗi khác để tăng số tiền phạt lên rất cao. Thấy quan điểm của địa phương xử lý nghiêm, xử lý nặng nên người này truyền tai người nọ, từ đó chấp hành tốt.
Ông Bùi hữu Nghiệp, ngụ số 6, đường 29, quận 2:
Chỉ thực hiện ở trung tâm
Việc thu lại lòng lề đường bị lấn chiếm nên thực hiện ở các khu trung tâm, còn ngoại thành thì thực hiện ở các tuyến đường lớn. Đường nhỏ, hẻm thì để người dân có thể tận dụng buôn bán bởi những khu vực này chủ yếu là người dân bày bán các mặt hàng nhỏ lẻ như cà phê cóc, nước giải khát. Đây cũng là cách mà nhiều hộ gia đình xem là thu nhập chính để sinh sống. Đối với các tuyến đường lớn ở trung tâm nên quy hoạch để người dân có thể tận dụng mặt tiền buôn bán nhưng phải trong khuôn khổ chấp nhận được.
Ông Trần Văn Vinh, ngụ 1/12/2 đường Trần Não, quận 2:
Phải tùy khu vực
Rất hoan nghênh việc tiếp tục làm mạnh để tạo sự thông thoáng vỉa hè nhằm chấn chỉnh lại văn minh đô thị nhưng phải tùy thuộc từng khu vực. Khu vực đường dân cư ít phương tiện đi lại thì có thể cho người dân tận dụng để buôn bán. Tuy vậy, phải quản lý chặt chẽ, tránh mạnh ai nấy cứ lấn chiếm.
Bà Ngô Thị Bích Việt, ngụ đường số 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức:
Nên quyết liệt và liên tục
Nên thực hiện một cách quyết liệt và liên tục. Tránh tình trạng nơi làm nơi không hoặc làm được ít bữa rồi bỏ để tái lấn chiếm. Đặc biệt, việc giải quyết lấn chiếm lòng lề đường phải tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. Tránh tình trạng dẹp để sau đó cho thuê hoặc người nhà của cán bộ lợi dụng để buôn bán. Để bảo đảm việc lấn chiếm lòng lề đường không tái diễn, sau khi dẹp xong thì nên làm biên bản bàn giao cho địa phương quản lý. Địa phương nào để tái lấn chiếm thì phải xử nghiêm, thậm chí cách chức người đứng đầu.
L.Phong - Th.Đồng ghi
Bình luận (0)