BHXH Việt Nam cho biết theo lộ trình, trong tháng 11 và 12- 2016 sẽ điều chỉnh tăng viện phí tại 31 địa phương còn lại.
Không ảnh hưởng đến người nghèo
Trước đó, 32 địa phương có tỉ lệ dân số tham gia BHYT trên 80% đã tăng giá các dịch vụ y tế với mức tăng khoảng 50%. Phần nhiều trong số này là các tỉnh miền núi, nơi có tỉ lệ phủ BHYT cao. Tại các thành phố lớn, hiện mới có Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện điều chỉnh viện phí.
Khám chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Đây là địa phương đầu tiên điều chỉnh viện phí
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, cho biết từ tháng 3 đến tháng 10-2016, viện phí đã 2 lần điều chỉnh đối với nhóm người bệnh có thẻ BHYT. Cụ thể, đợt 1, từ ngày 1-3, viện phí của người có BHYT tăng khoảng 30% do tính thêm các chi phí phụ cấp ngày trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Tiếp đến, đợt 2 lần lượt ngày 12-8 và 7-10, viện phí tính thêm tiền lương nhân viên y tế áp dụng đối với các địa phương có tỉ lệ tham gia BHYT trên 85% và 80% trong số 32 địa phương nói trên.
Theo lộ trình, từ nay đến hết năm 2016, các tỉnh còn lại sẽ điều chỉnh viện phí có tính thêm lương nhân viên y tế đối với nhóm đã có thẻ BHYT (khoảng 80% dân số). Hiện Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề xuất tăng viện phí. Ông Liên cũng khẳng định với lộ trình điều chỉnh này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn.
Cân nhắc đợt điều chỉnh thứ 4
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BXHX Việt Nam, do tác động của việc áp dụng giá dịch vụ y tế có tính lương nhân viên y tế nên chi phí khám chữa bệnh của một số tỉnh tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm, có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Trong đó có 6 tỉnh, thành, số bội chi trên 200 tỉ đồng gồm: Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam và Thái Bình. Có 14 tỉnh có số chi khám chữa bệnh 9 tháng đầu năm 2016 tăng cao hơn 155% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Sơn cho biết thêm 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho khoảng 104,7 triệu lượt người, tăng hơn 10,6 triệu lượt người so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, chi khám chữa bệnh vào khoảng 49.300 tỉ đồng.
“Theo dự toán ban đầu, BHXH Việt Nam chuẩn bị khoảng 16.000 tỉ đồng để chi thêm cho việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Hiện quỹ BHYT đã chi hơn 10.000 tỉ đồng ngoài số thu trong năm được sử dụng để bù đắp cho việc gia tăng chi phí y tế do điều chỉnh giá. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp của Ban Điều hành giá ngày 19-10, đợt điều chỉnh giá vào các tháng cuối năm sẽ hết sức thận trọng và phải được sự đồng ý của Chính phủ. Có thể đợt điều chỉnh thứ 4 vào tháng 12-2016 sẽ tạm dừng lại và chuyển sang năm 2017” - ông Sơn thông tin thêm.
Bình luận (0)