Sẽ chẳng mấy ai có ý kiến thắc mắc, phàn nàn nếu viện phí mới tăng một cách hợp lý, theo tuyên bố của những người có trách nhiệm trong ngành y tế là “tính đúng, tính đủ”, dựa trên mức sống và thu nhập thực tế của người dân. Thế nhưng, không ít người dân đã phải “té ngửa” khi nhìn vào viện phí mới mà các cơ sở y tế đưa ra.
Có lẽ chính các cơ sở y tế cũng tự cảm thấy “không ổn” với mức viện phí mới mà mình đưa ra nên đã âm thầm thực hiện việc này. Vụ việc diễn ra bất thường và phổ biến tới mức cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh - Bộ Y tế phải có công điện yêu cầu các bệnh viện thực hiện ngay việc công khai bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Sự phi lý của viện phí mới thấy rất rõ qua những loại thuốc, vật tư, chi phí không cần thiết, thậm chí chẳng hề dùng đến vẫn được “kê bừa” vào rất nhiều chi phí khám chữa bệnh mới. Không chỉ người bệnh mà ngay cả cơ quan BHXH cũng phải cho rằng có không ít dịch vụ được các bệnh viện xây dựng vào cơ cấu giá rất phi lý, khó hiểu, không chỉ đắt hơn chi phí thực vài ngàn đồng mà còn đội giá tới vài trăm ngàn đồng/lần sử dụng.
Thầy thuốc trước khi ra trường hành nghề phải đọc lời thề y đức Hippocrates. Thế nhưng, những lời thế này đã mai một quá nhiều trên thực tế nên người dân và xã hội mới phải bức xúc với vấn đề y đức như nạn phong bì, kê toa thuốc ăn hoa hồng...
Tuy nhiên, dù sao những vấn nạn trên vẫn chỉ được coi là do cá nhân gây ra và chịu trách nhiệm, còn mức viện phí mới thì hoàn toàn khác. Khung viện phí mới do cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và ban hành để các bệnh viện đua nhau dựa vào đó mà tăng viện phí. Thật buồn khi chỉ thấy hết nơi này đến nơi khác tăng viện phí mà không hề nhắc tới việc đề cao y đức.
Bình luận (0)