Thời gian qua, cộng đồng mạng và ngoài xã hội bất ngờ nhận được nhiều tin cảnh báo từ mạng Yahoo!Messenger, mạng di động và truyền miệng về khả năng nhiễm phóng xạ từ sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản.
Lan truyền tin đồn mưa acid
Ngày 15-3, hàng loạt chatter (người chat Yahoo!Messenger) đã nhận được tin nhắn với nội dung: “Nhà máy điện hạt nhân ở Fukumi, Nhật Bản đã phát nổ ngày hôm nay lúc 4:30 AM. Nếu trời mưa vào ngày mai hoặc những ngày sau này thì không nên đi ra ngoài. Trong trường hợp bạn đang ở bên ngoài, đừng để ướt vì đó là mưa acid. Bạn có thể bị đốt cháy da, mái tóc của bạn bị mất hoặc bị ung thư. Điều này áp dụng cho tất cả các nước châu Á...”.
Các chatter trao đổi với nhau về tin đồn có mưa acid
Trên thực tế, chiều cùng ngày, Hà Nội và nhiều địa phương phía Bắc đã xảy ra mưa kèm theo gió lớn. Trước những thông tin đồn thổi, không ít người đã tỏ ra lo ngại và có phần hoang mang.
Ông Lâm Hòa (ngụ Hà Nội) cho biết: “Chẳng biết thế nào nhưng có người nhắc nhở thì cũng nên cẩn thận”. Cùng tâm trạng như ông Hòa, không ít người dân Hà Nội cũng nhắc nhở người thân cẩn trọng tránh mưa.
Có thể yên tâm
TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), khẳng định Việt Nam chưa bị ảnh hưởng bởi phóng xạ bởi việc rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo ông Tấn, trong vụ nổ lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraine) vào năm 1986, chất phóng xạ đã bị gió đẩy sang Việt Nam nhưng không đáng kể.
Ông Tấn trấn an: “Việt Nam có thể yên tâm vì sự cố ở Nhật vẫn chưa phải là nổ lò phản ứng như ở Ukraine mà chỉ là xịt hơi nước trong lò và rò rỉ phóng xạ ra ngoài. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam vẫn theo dõi chặt diễn biến của sự cố này, đồng thời có phân tích và sẽ công bố tin tức cho công chúng để có cách phòng tránh nếu tình hình xấu đi”.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng vừa thành lập tổ công tác để theo dõi thông tin hằng ngày và có thông báo liên tục trên website của bộ (www.most.gov.vn) kể từ ngày 16-3.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương Lê Thanh Hải khẳng định: “Cơn mưa ngày 15-3 không phải là mưa acid và hiện không có một đới gió nào đưa không khí từ Nhật Bản đến Việt Nam (kể cả tầng thấp lẫn tầng cao). Bên cạnh đó, không có đới gió nào đưa không khí từ Nhật đến Trung Quốc và sau đó là từ Trung Quốc đến Việt Nam”.
Theo ông Hải, cơn mưa xuất hiện trong ngày là do đợt gió mùa Đông Bắc mạnh đã được dự báo trong những ngày gần đây, kèm theo đó là kết hợp với rãnh gió Tây trên cao đang tiếp tục duy trì. “Đây là cơn mưa hoàn toàn bình thường về mặt hóa học và rất tốt về mặt thủy lợi” – ông Hải cho biết.
Việt Nam sử dụng thế hệ lò phản ứng hiện đại
Ông Vương Hữu Tấn cũng cho biết viện đã yêu cầu Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học - Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội tổ chức quan trắc phóng xạ môi trường tại hai trạm quốc gia do hai đơn vị này quản lý.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng đã nghiên cứu bản chất của sự cố để có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho mình trong chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Thiết kế tòa nhà lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản là tương đối tốt, chịu được động đất lớn đến 9 độ Richter và sóng thần.
Tuy nhiên, những nhà máy này được xây dựng từ những năm 1970 và 1980 thuộc thế hệ thứ 2 nên nguyên lý an toàn thụ động chưa được áp dụng.
Trong khi đó, Việt Nam sử dụng thế hệ lò phản ứng hiện đại, bảo đảm độ an toàn và kinh tế. Những lò phản ứng thế hệ thứ 3 mà Việt Nam lựa chọn có đặc tính an toàn thụ động. Nếu xảy ra sự cố tương tự ở Nhật, nhà máy sẽ tự động xử lý hiện tượng giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung. |
Bình luận (0)