Phát hiện khoảng 1 tấn ngà voi trong lô hàng ở TP Hải Phòng vào ngày 19-8-2014
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết trong công tác phát hiện, điều tra bắt giữ, xử lý các sản phẩm vi phạm công ước Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), cơ quan hải quan Việt Nam và các lực lượng liên quan gồm công an, bộ đội đã xử lý khối lượng hàng hoá vi phạm lớn nhất thế giới, đặc biệt là ngà voi. Số lượng ngà voi bị lực lượng chức năng Việt Nam thu giữ, xử lý đã lên đến vài chục tấn.
Thông thường, các nước khác bắt giữ mỗi vụ buôn bán ngà voi lớn trong đường dây xuyên lục địa từ Châu Phi về cũng chỉ khoảng 60-70 tấn nhưng ở Việt Nam có thể lên đến cả tấn ngà voi/vụ. Rất nhiều kiện hàng giấu ngà voi đi từ Châu Phi qua 5-7 quốc gia đều không bị phát hiện nhưng đến Việt Nam thì bị bắt.
“Chúng tôi đi hội nghị quốc tế, các nước đặt câu hỏi vì sao Việt Nam bắt được nhiều ngà voi thế. Phải chăng tội phạm này ở Việt Nam phát triển ghê gớm?. Chúng tôi trả lời đây là quyết tâm lớn của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu và thực hiện Công ước Cites”- ông Nguyễn Phi Hùng nói.
Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết Việt Nam là địa bàn trung chuyển ngà voi và các sản phẩm của động vật hoang dã gồm sừng tê giác, vẩy tê tê... cho các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan... Các sản phẩm này chủ yếu có nguồn gốc từ Châu Phi, thường đi theo đường biển nếu là khối lượng lớn và các vụ có số lượng nhỏ thì đi qua đường hàng không dưới dạng hành lý ký gửi hoặc theo hình thức gửi quà biếu với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.
Đối với ngà voi nhập lậu qua đường biển, chủ hàng lấy sáp, keo nhựa, thạch cao, đất sét bọc kín từng chiếc rồi giấu giữa khối gỗ trộn lẫn với gỗ bình thường trong các container để hạn chế khả năng phát hiện qua công tác soi chiếu. Trên tuyến hàng không, ngà voi được cất giấu trong các đồ vật, nguỵ trang trong valy… chuyển về sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Gần đây, ngày càng nhiều vụ việc vi phạm được phát hiện lại có tuyến đường vận chuyển từ các nước ít bị nghi ngờ, hoặc từ những vùng không có động vật hoang dã.
Để nâng cao công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu ngà voi nói riêng và các sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm nói chung, lực lượng chống buôn lậu hải quan đã chủ động tăng cường hệ thống máy soi, hệ thống camera, hệ thống giám sát định vị vệ tinh, chíp giám sát điện tử... để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa.
Một số vụ việc lớn đã được bắt giữ là ngày 1-10, lực lượng hải quan cửa khẩu Nội Bài đã bắt giữ kiện hàng 310 ngà voi được khai báo là kính thuỷ lực vận chuyển trên chuyến bay EY 9952 của hãng hàng không Etihad Airways. Chủ hàng là một doanh nghiệp có trụ sở tại số 2, ngách 158 phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Ngày 6-10, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phát hiện vụ buôn lậu hơn 2 tấn ngà voi được giấu trong 2 container chở gỗ xoan đào đục rỗng nhập khẩu vào Việt Nam qua cảng Cát Lái, có xuất xứ Mozambique, được hệ thống phân luồng Vàng (kiểm tra hồ sơ). Khi doanh nghiệp mở tờ khai, hải quan đưa vào soi chiếu thì phát hiện vật lạ nên giữ lại, yêu cầu mở ra 12 kiện gỗ thì phát hiện ngà voi và 1 số vật thể khác nghi của động vật nên giám định. Vụ việc đã bị chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng khởi tố theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)