Trao đổi với báo chí ngày 31-12, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định năm 2015, Việt Nam đã tạo được một vị thế rất tốt với các nước lớn. Các nước đều mong muốn củng cố, duy trì quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam đi vào chiều sâu.
Nâng tầm quan hệ quốc tế
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, quan hệ của Việt Nam với các đối tác nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Đặc biệt, trong năm 2015, lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước đã triển khai một loạt hoạt động đối ngoại rất quan trọng.
Với Trung Quốc, năm nay 2 bên tiếp tục đà khôi phục và phát triển quan hệ bằng chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Sau 9 năm, người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương 2 bên họp vào tháng 4-2015 đề ra những biện pháp rất cụ thể, kể cả các biện pháp giải quyết những vấn đề bất đồng về tranh chấp biên giới một cách hòa bình, hữu nghị.
Với Mỹ, hiện là đối tác thương mại hàng đầu, thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam. Nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ tăng nhanh. Hợp tác trên các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, hạt nhân dân sự, giáo dục - đào tạo… cũng ở tầm cao mới. Hai bên thỏa thuận về tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Mỹ trong những năm tới qua chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với Nhật Bản, hợp tác ngày càng sâu sắc hơn, nâng quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược sâu rộng. Hợp tác giữa 2 bên không chỉ trong lĩnh vực ODA như trước đây mà quan trọng hơn là thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng…
Với Nga, mối quan hệ truyền thống được làm sâu sắc hơn, không chỉ hợp tác quốc phòng, năng lượng mà mở rộng sang lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Nga tăng số học bổng cho Việt Nam lên 1.000 suất/năm.
“Quan hệ với các nước lớn là vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Hợp tác ở những lĩnh vực có điểm tương đồng và cạnh tranh, đấu tranh với nhau ở những điểm còn khác biệt” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phân tích.
Toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu hàng đầu
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu hàng đầu của đất nước, rất thiêng liêng với người dân Việt Nam. Công tác đối ngoại trong bối cảnh tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, nhất là vấn đề biển Đông. Những hoạt động tôn tạo, bồi đắp của Trung Quốc ở các bãi đá tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam gây ra những hệ lụy có thể tác động đến an toàn giao thông hàng hải cũng như môi trường biển.
Việt Nam xác định rất rõ việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cần chú trọng củng cố những nền tảng đã có: Phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc đã hoàn thành, tiếp tục xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình hợp tác. Với Campuchia, đã hoàn thành 90% công tác phân giới cắm mốc và đang tiếp tục đẩy mạnh.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng trên biển, do tình hình phức tạp, Đảng và nhà nước xác định rõ đấu tranh chính trị, ngoại giao kết hợp chặt chẽ với các lực lượng khác của chúng ta trên thực địa để bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới của hội nhập quốc tế sau khi kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác và sắp tới có thể còn nhiều hiệp định nữa. Mục tiêu hàng đầu hiện nay là gìn giữ hòa bình, ổn định để phát triển.
Bình luận (0)