Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Theo đó, Thủ tướng đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc điều hành Vinashin; các bộ, ban ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Cố ý làm trái
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ 3 vấn đề lớn tại Vinashin gồm thể chế tổ chức, hoạt động; tài chính và quản lý; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đều có những sai phạm nghiêm trọng.
Chỉ trong thời gian từ cuối năm 2005 đến hết tháng 6-2010, Vinashin đã huy động một khối lượng vốn rất lớn từ các nguồn trong và ngoài nước dưới các hình thức vay của các tổ chức tín dụng, vay nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức khác lên đến 72.000 tỉ đồng.
Các giai đoạn của quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn đều bị buông lỏng và vi phạm quy định của pháp luật.
Chỉ tính riêng việc mua tàu Hoa Sen, Vinashin đã gây thiệt hại trên 550 tỉ đồng. Ảnh: Đỗ Du
Cụ thể, đối với khoản vay 750 triệu USD từ nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, Vinashin đã không trung thực và thiếu trách nhiệm trong sử dụng nguồn vốn. Nhiều dự án mới chỉ là ý tưởng đầu tư, không tồn tại trên thực tế nhưng vẫn được đưa vào đề án xin vay vốn.
Ngay trong ngày ký hợp đồng vay từ nguồn trái phiếu quốc tế, Vinashin đã sử dụng 1.000 tỉ đồng để mua lại khoản nợ của các đơn vị thành viên và của bản thân công ty mẹ, trong đó có nhiều khoản nợ xấu tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Thanh tra Chính phủ nhận định: “Việc làm này trái với quy chế mua bán nợ; sử dụng không đúng mục đích khoản vay trái phiếu quốc tế; có nhiều dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật…”.
Thanh tra Chính phủ cho rằng Vinashin sử dụng vốn vay tùy tiện, dàn trải (615 dự án) với tỉ lệ trên dưới 30% vốn cho vay so với nhu cầu vốn của dự án; không kiểm soát được vốn đối ứng, dẫn đến toàn bộ các dự án hiện vẫn dở dang, gây lãng phí và nhiều trường hợp mất vốn với số lượng lớn.
“Từ năm 2007 đến nay (thời điểm thanh tra - PV), Vinashin đã không đủ năng lực về cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ tay nghề, trình độ quản lý và tiềm lực tài chính để thực hiện các hợp đồng đã giao kết với khách hàng. Nhiều hợp đồng đóng tàu bị hủy bỏ không phải do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế mà do Vinashin vi phạm giao kết hợp đồng. Chỉ tính riêng tiền phạt, tiền lãi phải trả do hủy hợp đồng đã lên đến trên 1.000 tỉ đồng” – Thanh tra Chính phủ kết luận.
Cũng theo kết luận thanh tra, từ năm 2006 đến năm 2009, Vinashin mua 25 tàu cũ đã qua sử dụng với số tiền lên đến trên 8.000 tỉ đồng. Điều này vi phạm quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gây lãng phí và thiệt hại nghiêm trọng trong đầu tư.
Nợ như chúa chổm
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2009 do Vinashin lập (tính đến hết năm 2009) chỉ rõ tổng tài sản của tập đoàn này là hơn 95.148 tỉ đồng; cơ cấu nguồn vốn gồm: nợ phải trả là hơn 85.642 tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu hơn 9.505 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tiến hành thanh tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện báo cáo tài chính trên chưa chính xác và chưa đúng các quy định chuẩn mực kế toán.
Thanh tra Chính phủ xác định nếu loại trừ công nợ nội bộ theo kết quả đối chiếu, xác nhận của tập đoàn thì giá trị nguồn vốn và tài sản của Vinashin là hơn 92.575 tỉ đồng; nợ phải trả là hơn 96.706 tỉ đồng.
Kết quả kiểm toán năm 2009 cũng cho thấy Vinashin lỗ 1.682 tỉ đồng nhưng con số lỗ thực chất mà Thanh tra Chính phủ đưa ra lên tới hơn 4.985 tỉ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng khuyến cáo Vinashin đặc biệt lưu ý kiểm soát khả năng lỗ tiềm tàng hơn 20.000 tỉ đồng, thể hiện ở việc nhiều hợp đồng đóng tàu bị hủy, kéo theo bị phạt và trả lãi do vi phạm hợp đồng…
Xử lý tập thể, cá nhân sai phạm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc điều hành Vinashin tiến hành kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân có sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ các vụ vi phạm tới Bộ Công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó có các vụ dùng 1.000 tỉ đồng trái phiếu quốc tế để mua nợ; cố ý làm trái trong dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giai đoạn 1; cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý tài chính tại Công ty CP Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh và Công ty CP Đầu tư Cửu Long; dự án công nghiệp tàu thủy Lai Vu; sai phạm tại Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân… Ngoài ra, 4 vụ việc khác cũng sẽ được Thanh tra Chính phủ chuyển sang Bộ Công an đề nghị tiếp tục xem xét. |
Bình luận (0)