Sáng 22-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Các đại biểu TPHCM thảo luận tại tổ. Ảnh: MẠNH DUY
Làm rõ trách nhiệm của Chính phủ...
“Báo cáo của Chính phủ cho biết Vinashin nợ 86.000 tỉ đồng nhưng tôi được biết sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận kiểm tra, các ngân hàng mà Vinashin vay đã gửi số nợ tới một cơ quan và cơ quan này cộng lại là 120.000 tỉ đồng”. Ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, làm “nóng” phiên thảo luận bằng thông tin mới. Cùng có mặt trong tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc xác nhận 86.000 tỉ đồng là con số của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra ban đầu. Ông Lê Quang Bình đề nghị Chính phủ cần làm rõ thông tin mà ông đưa ra có chính xác không.
Từ năm 2012, sẽ thiếu điện trầm trọng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết năm 2011, điện nước ta dư khoảng 70 triệu KWh nhưng với điều kiện tất cả nhà máy điện hoạt động bình thường, nước đầy đủ. Năm 2012, dự báo sẽ thiếu điện trầm trọng. Năm 2013, thiếu điện đúng bằng sản lượng của Nhà máy Hòa Bình, tức 8-9 tỉ KWh.
P. Dương |
“Báo cáo chính thức nói Vinashin nợ 86.000 tỉ đồng, nếu chia đều cho cả nước thì mỗi người dân phải nợ 1 triệu đồng mà 1 triệu đồng là rất lớn đối với đồng bào miền núi. Tiền Nhà nước đúng là như... nước” – đại biểu (ĐB) Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bức xúc. Theo ĐB Cuông, với con số thua lỗ lớn như vậy thì không thể chỉ mỗi ông chủ tịch tập đoàn và lãnh đạo Vinashin chịu trách nhiệm mà cần phải làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm quản lý và các bộ quản lý Nhà nước.
Chưa đồng tình với cách giải quyết hậu quả tại Vinashin, ĐB Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) cho rằng trách nhiệm của Chính phủ mới chỉ đề cập chung chung chứ chưa phải con người cụ thể. ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) cho biết tiếp xúc cử tri thấy hầu hết đều dành sự quan tâm đến vấn đề Vinashin mà cụ thể là muốn Chính phủ làm rõ ai chịu trách nhiệm trước sự yếu kém của tập đoàn này và vì sao lại để xảy ra sai phạm lớn trong một thời gian dài như vậy.
Thiếu điện gây bức xúc
ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) bức xúc trước cảnh sản xuất, sinh hoạt của nhân dân bị đình đốn, ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu điện trong thời gian qua. Ông Dũng dẫn cảnh miền Trung vào tháng 5, 6, nắng như đổ lửa mà điện cắt liên tục làm cho đời sống bà con rất khổ cực. Ông Dũng nhấn mạnh: “Nếu kéo dài cảnh cắt điện như vừa qua thì sẽ nảy sinh sự không đồng thuận của xã hội, dân sẽ phản ứng”. Ông Dũng cũng băn khoăn việc ồ ạt xây dựng thủy điện nhưng nguồn cung lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Cùng tâm tư, ĐB Lê Văn Cuông cho rằng cứ thiếu điện như thế này thì làm sao có thể thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Bất ổn từ các vấn đề xã hội
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nhận định các vấn đề xã hội ngày càng bức xúc như có bệnh viện có đến 3 bệnh nhân nằm một giường, bạo lực trường học, nhà cao tầng mọc nhiều nhưng nông thôn mất dần đất. Theo bà Loan, cần đánh giá các tồn tại này trong cả giai đoạn 5 năm vừa qua để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới. “Không quyết liệt, lòng tin nhân dân sẽ mai một” – bà Loan chia sẻ.
Theo ĐB Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Giám đốc Công an TP Hà Nội), còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã nêu trong các kỳ họp trước nhưng đến nay vẫn chậm khắc phục như ùn tắc và tai nạn giao thông... Ông Nhanh cho biết gần đây, sự xuống cấp của văn hóa giáo dục là kẽ hở lớn nhất để các thế lực thù địch lợi dụng. “Tội phạm trong xã hội đã khác xưa rất nhiều: va chạm giao thông vác dao gậy chém nhau, chồng giết vợ, cha giết con... nhưng trong báo cáo của Chính phủ, các vấn đề xã hội ít được quan tâm so với kinh tế” – ông Nhanh nói.
Cần bảo đảm an toàn khi khai thác bauxite
Ông Lê Quang Bình tán thành chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên nhưng đề nghị Chính phủ “cam kết với QH, với nhân dân về sự an toàn”. Theo ông Bình, thảm họa bùn đỏ ở Hungary đã khiến ông suy nghĩ rất nhiều. “Xem bản đồ thấy Cộng hòa Czech, Hungary khai thác ở nơi bằng chứ không dốc như ta. Nước ta khai thác trên cao nguyên, nếu xử lý bùn đỏ không tốt, nó tràn xuống thì không chỉ ở Tây Nguyên mà ảnh hưởng đến cả vùng đồng bằng ven biển” – ông Bình nhận định.
ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cũng đặt vấn đề là tại kỳ họp trước, QH đã có ý kiến khá quyết liệt về vấn đề bauxite Tây Nguyên và bây giờ đã có cảnh báo nhãn tiền. “Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng hồ chứa bùn đỏ của ta có thể chịu được động đất 8 độ Richter trở lên song thảm họa ở Hungary xảy ra khi không động đất. Vậy ta tính cái gì, bền vững ra sao, hậu quả như thế nào?” - ĐB Khanh băn khoăn.
Hôm nay, 23-10, QH thảo luận tại hội trường về hai dự án luật là Luật Tố tụng hành chính và Luật Thanh tra (sửa đổi).
Phải có biện pháp giảm bội chi
Chiều 22-10, tại phiên thảo luận ở tổ về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011, nhiều ĐB cho rằng phải có biện pháp dài hạn để giảm bội chi. Vì nếu bội chi “trượt” mãi, lạm phát sẽ tăng cao, đồng tiền mất giá và kinh tế vĩ mô không thể ổn định.
Một số ĐB đề nghị nên xem xét trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc sử dụng vốn ngân sách, đặc biệt là tại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng đã tới lúc sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách vì luật này đang bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế...
T.Hà |
Bình luận (0)