![img](https://nld.mediacdn.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/04/kien.jpg)
TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN
"Con số nợ 86.000 tỉ đồng cứ nói là trả được hay không trả được, đến bây giờ ý kiến các chuyên gia đều cảm tính hết. Tất nhiên, Vinashin sai thì đã sai rồi, vấn đề là chúng ta xử lý làm sao cho nó đỡ bung bét nhất, thiệt hại ít nhất" - TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN |
Thử tính giá trị tàu Hoa Sen
Giải trình về nợ và tài sản của Vinashin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng: “Số nợ của Vinashin là 86.000 tỉ đồng (làm tròn số), nhưng tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin khoảng 103.000 tỉ đồng, như vậy tiền vay này đang nằm trong các tài sản, các dự án”. Phát biểu này là hoàn toàn chính xác về nguyên tắc kế toán, nhưng nếu hiểu về bản chất giá trị của các khoản nợ và tài sản thì ở đây cần phải xem lại.
Chúng ta biết rằng khoản nợ 86.000 tỉ đồng là một con số chắc chắn tối thiểu mà doanh nghiệp sẽ phải trả, càng kéo dài thời gian khó khăn thì nợ càng gia tăng vì lãi vay phát sinh mà doanh nghiệp không trả được. Hơn thế, với việc tỉ giá VND/USD liên tục tăng cao cũng làm khoản nợ này tăng lên đáng kể. Ngược lại, giá trị tài sản được ghi trong bảng cân đối kế toán chỉ là việc hạch toán số tiền đã thực chi ra chứ ít khi phản ánh thực giá trị của doanh nghiệp.
Lấy tàu Hoa Sen làm ví dụ. Giả định vào tháng 11-2007 (thời điểm mua tàu Hoa Sen), Vinashin - Hoa Sen được thành lập với tài sản duy nhất là con tàu được mua với giá 1.300 tỉ đồng từ 1.200 tỉ đồng vốn vay trái phiếu chính phủ có lãi suất trên 7%/năm và 100 tỉ đồng vốn chủ sở hữu của Vinashin.
Bảng tổng kết tài sản của Vinashin - Hoa Sen vào tháng 11-2007 sẽ là bên tài sản 1.300 tỉ đồng được hạch toán ở mục tài sản cố định, bên nợ và vốn sẽ là 1.200 tỉ đồng nợ và 100 tỉ đồng vốn chủ sở hữu.
Bảng tổng kết tài sản của Vinashin - Hoa Sen sẽ như thế nào ở thời điểm hiện tại?
Sau khi mua về, con tàu này dường như không hoạt động, nhưng chỉ riêng phần lãi vay phát sinh trong ba năm đã lên đến 1.200 x 7,15% x 3 = 257 tỉ đồng.
Về mặt kế toán, sẽ có hai cách giải quyết:
Thứ nhất, do không hoạt động nên doanh nghiệp sẽ treo tạm phần lãi vay phải trả nêu trên vào một tài khoản nào đó bên tài sản (khoản phải thu) và hạch toán số tiền tương ứng vào tài khoản phải trả. Kết quả là cả hai bên của bảng tổng kết tài sản sẽ tăng lên 257 tỉ đồng và tổng tài sản sẽ là 1.557 tỉ đồng.
Thứ hai, nếu doanh nghiệp hạch toán lợi nhuận chi phí đầy đủ thì tổng tài sản vẫn là 1.300 tỉ đồng (giả sử không khấu hao), nhưng lúc này các khoản nợ sẽ tăng 257 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu sẽ là âm 157 tỉ đồng chứ không phải là dương 100 tỉ đồng như phương án 1.
Nhìn những gì đang xảy ra thì có vẻ như cách thức thứ nhất đã được áp dụng chủ yếu ở Vinashin. Với phương thức này, nhìn vào sổ sách thì mọi chuyện vẫn ổn. Vốn chủ sở hữu không mất đi mà quy mô của doanh nghiệp tăng lên.
Tuy nhiên, về bản chất con số báo cáo cho Quốc hội phải là con số giá trị thực tài sản của Vinashin hiện nay. Hiểu đơn giản là nếu bán tàu Hoa Sen thì sẽ thu hồi được bao nhiêu tiền.
Với những thông tin đã được đăng tải thì giá trị của tàu Hoa Sen sẽ là rất thấp. Giả sử giá trị thị trường của con tàu này hiện nay là 500 tỉ đồng, khi đó vốn chủ sở hữu của Vinashin - Hoa Sen sẽ là âm 957 tỉ đồng chứ không phải là dương 100 tỉ đồng như vẫn ghi trong sổ sách kế toán.
Chỉ riêng một con tàu Hoa Sen với những ước tính sơ bộ đã cho con số nêu trên, nếu tính cho cả Vinashin thì chắc hẳn vốn chủ sở hữu sẽ là con số âm.
THẢO NGUYÊN |
Bình luận (0)