Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, dịch cúm A/H7N9 bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc (TQ) từ tháng 3-2013 với 5 đợt. Gần đây, dịch cúm A/H7N9 có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của TQ. Trong đó, đáng lo ngại là 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp biên giới với nước ta cũng đã ghi nhận nhiều ca bệnh cúm A/H7N9.
Độc lực tăng rất nhanh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực - Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) ghi nhận gần đây, TQ đã phát hiện sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gien virus cúm ở người cũng như ở gia cầm.
Diễn tập phun thuốc khử trùng tiêu độc tại một chợ phát hiện có gia cầm nhiễm virus A/H7N9 Ảnh: NGỌC DUNG
Cụ thể, TQ đã phát hiện gien độc lực cao tại 2 bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 ở Quảng Đông và 1 bệnh nhân ở Đài Loan. FAO cũng ghi nhận 41 mẫu cúm độc lực cao ở gia cầm và môi trường được lấy tại 23 chợ gia cầm sống và 3 trang trại thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây, Hà Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy virus cúm A/H7N9 độc lực cao có khả năng gây chết 100% gà mắc (trong thí nghiệm). Virus này còn có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp 100-1.000 lần so với virus có độc lực thấp.
Ông Trần Đắc Phu lo ngại với diễn biến phức tạp trên, nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập nước ta là rất cao. Đây không phải lần đầu tiên virus này thay đổi độc lực mạnh hơn.
Trước đó, vào giữa tháng 2-2016, WHO đã cảnh báo về chủng virus cúm này thay đổi độc lực ở gia cầm. WHO nhận định sự liên tục thay đổi như một đặc điểm tự nhiên của virus cúm là do quá trình tái tổ hợp. Vì vậy, cần tiếp tục cảnh giác với sự thích ứng của virus cúm gia cầm ở người và các loài động vật có vú. Tuy nhiên, WHO cũng cho biết chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 làm lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Nguy cơ từ gia cầm nhập lậu
Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập Việt Nam trong giai đoạn này là cao nhất kể từ năm 2013. Nguyên nhân là do tỉnh Quảng Tây áp dụng biện pháp đóng cửa chợ, gia cầm sẽ được vận chuyển vào Việt Nam nếu không có các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ. Theo WHO và FAO, sự gia tăng này có thể là do sau khi Quảng Đông công bố đóng cửa chợ gia cầm, gia cầm đã được vận chuyển từ tỉnh này sang Quảng Tây.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết hiện nước ta có 6 ổ dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại 9 hộ chăn nuôi trên địa bàn 4 tỉnh chưa qua 21 ngày. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk có 3 ổ dịch xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi. Tỉnh Đắk Nông xuất hiện 1 ổ dịch xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi thuộc xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô. Tỉnh Vĩnh Long có 1 ổ dịch tại phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh và tỉnh Quảng Ninh xuất hiện 1 ổ dịch ở xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên.
Cục Thú y nhận định nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm chưa xuất hiện ở Việt Nam (như A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
"Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời" - Cục Thú y khuyến cáo.
Lập 8 đội ứng phó virus A/H7N9
Trước diễn biến phức tạp của cúm A/H7N9 tại TQ và một số hộ chăn nuôi ở vài địa phương trong nước có đàn gia cầm mắc cúm A/H5N1, A/H5N6, Cục Thú y vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường công tác giám sát virus cúm gia cầm có nguy cơ xâm nhiễm Việt Nam.
Cục Thú y cũng đã làm việc với FAO, CDC (Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ) để bàn biện pháp ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm qua biên giới. Cơ quan này đã thành lập 8 đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện virus cúm A/H7N9 tại Việt Nam.
Bình luận (0)