xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vỡ cống dẫn thủy điện Sông Bung 2: Thiên nhiên cuồng nộ

HOÀI PHƯƠNG

Thủy điện Sông Bung 2 gây họa, làm chết 2 công nhân. Cư dân hạ du tan tác chạy lũ. Và một lần nữa, rất quen thuộc, đơn vị chịu trách nhiệm lại đổ lỗi cho thiên tai!

Vụ vỡ cống dẫn nước đập thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) vào chiều 13-9 nối dài thêm chuỗi thảm họa do các công trình ngăn sông làm thủy điện gây ra. Không lâu sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) mà đến nay vẫn chưa khắc phục hết thiệt hại, sự cố ở Sông Bung 2 lại xảy đến. Có phải thiên nhiên đã cuồng nộ từ lâu, nay lên tiếng đáp trả, như một sự báo thù?

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Cao Quốc Hưng, nhấn mạnh đây là sự cố “rất nghiêm trọng”. Nhìn vào sự thiếu an toàn của công trình là thấy. Theo chủ đầu tư là một tổng công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lòng hồ thủy điện được phép tích nước từ ngày 25-8 đến 3-9 để kịp phát điện vào ngày 20-11 sắp tới thì vào chiều 13-9, nước lũ đổ về với lưu lượng 560 m3/giây đã tạo ra luồng nước lớn cuốn trôi 1 trong 2 van trong cống dẫn dòng, cánh van nặng đến 125 tấn đã bị cuốn trôi về hạ lưu. “Sự cố xảy ra do hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, lưu lượng nước đổ về quá nhiều…” - đại diện cao nhất của chủ đầu tư lý giải.

Những ai hiểu biết về thủy lợi, thủy điện hẳn không thể nào chấp nhận cách giải thích như vậy. Người dân miền Trung, nhất là ở Quảng Nam, càng nghe không lọt tai sự bao biện ấy. Ai cũng biết bão số 4 vừa qua đã sớm tan thành áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu của bão có gây mưa nhiều nhưng chưa phải là lớn nhất, dày nhất về vũ lượng và tần suất so với thường thấy trong mùa mưa bão ở Trung Bộ. Các đơn vị tư vấn, thiết kế công trình thủy điện buộc phải biết rõ tình hình mưa lũ và độ dốc dòng chảy ở thực địa để có tính toán sao cho an toàn nhất. Đằng này, chỉ sau một cơn áp thấp nhiệt đới thôi mà công trình đã đổ vỡ. Rõ là hầu hết các nhà thầu tham gia công trình này đều có vấn đề. Lấy gì bảo đảm rằng vào những tháng mưa bão khủng khiếp sắp tới, Sông Bung 2 (và hàng chục công trình thủy điện khác ở miền Trung, Tây Nguyên) sẽ an toàn?

Không cần phải kể tội thủy điện nữa bởi hậu quả khốc liệt của nó đã phơi bày nhiều năm qua. Đáng buồn là thái độ của những người có trách nhiệm liên quan đối với thiên nhiên, đối với sự an nguy của người dân. Khắp Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Trung Bộ, đâu đâu cũng mất rừng, cũng cạn kiệt nguồn nước, cũng mất sinh kế, cũng bất ổn tái định cư, vậy mà các bộ - ngành, địa phương vẫn phê duyệt cho làm thủy điện. Phải kiếm tiền nhanh lắm, mới hăm hở đến vậy. Nhưng khi sự cố xảy ra thì đổ thừa cho… ông trời rất nhanh. Sống chết mặc bay, có sự vô cảm nào hơn thế!

Dòng sông Bung hiền hòa trôi từ đại ngàn Trường Sơn về miền xuôi. Chỉ một con sông thôi mà đã gánh trên mình 5 thủy điện, sức nào chịu nổi! Người ta nói “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, vậy mà chưa từng thấy chủ đầu tư thủy điện nào phải trả giá; chỉ chứng kiến người dân hạ du Sông Tranh 2, Ia Krel 2 và nay là Sông Bung 2 gào khóc, oán thán. Thật đáng thương và phẫn uất!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo