Đây là các loại thùng phuy nhựa có dung tích từ 20 đến 200 lít, vốn dùng đựng hóa chất, keo dán, dầu, chất tẩy rửa trong những nhà máy dệt, nhuộm, sản xuất dày dép … đã được loại bỏ sau khi sử dụng và trở thành rác thải công nghiệp chưa qua xử lý, rất độc hại. Thế nhưng, chúng được mua bán để… đựng nước uống và làm phao bè cá trên sông.
Thùng phuy - rác thải nguy hại - được chất đống chờ bán tại một điểm trên đường 25B, thị trấn Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
Mua bán tràn lan
Trên đường 25B nối Quốc lộ 51 (huyện Long Thành, thị trấn Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), tại khu vực có các KCN, rất nhiều điểm bày bán công khai các loại thùng phuy, mà thực chất là rác công nghiệp nguy hại.
Tấp vào một điểm bán phế liệu này (thuộc xã Long An, huyện Long Thành), chúng tôi được bà chủ đon đả: "Mua đi, các thùng này đã được súc rửa sạch rồi, đựng lúa, bột hay nước đều được cả, cứ yên tâm". Chúng tôi mở một nắp thùng, mùi hóa chất xộc lên nồng nặc. Thấy chúng tôi hắt xì, bịt mũi, bà chủ trấn an: "Không sao đâu, chỉ tại cái này đựng thuốc tẩy nên còn mùi, về lấy bột giặt kỳ cọ vài lần là sạch ngay".
Tại một điểm khác thuộc địa bàn xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, chủ điểm bán phế liệu là một người đàn ông trung niên mời chào: "Đây đều là thùng có chất liệu tốt, người ở các tỉnh miền Tây vẫn thường mua về đựng nước. Chúng tôi bán sỉ có khi cả trăm thùng, thậm chí không có để mà bán!".
Theo quan sát của chúng tôi, đường 25B dài chỉ khoảng hơn 5 km nhưng có đến chục điểm bán loại thùng phế thải. Ở một số con đường nằm cạnh các KCN tại huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất hay các ngõ ngách trong TP Biên Hòa cũng không hiếm điểm bán công khai loại rác thải công nghiệp này.
Ngoài việc mua về đựng nước, lúa gạo và các thứ khác, thùng phuy còn được dùng để làm phao kết các bè cá. Người từ các bè cá ở sông La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) và vùng Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thường tìm đến đây để mua với số lượng lớn. Những chiếc thùng đậy nắp kín nhấn chìm trong nước cứ vài năm bị hư hỏng sẽ phải thay một lần.
Xử lý không triệt để
Trên các mặt sông ở tỉnh Đồng Nai hiện có đến hàng vạn thùng phuy độc hại, còn việc sử dụng trôi nổi trong khu dân cư cũng rất nhiều. Hầu hết người sử dụng đều không ý thức được hoặc rất chủ quan trước sự nguy hại của các thùng chứa này. Theo chủ những điểm kinh doanh, họ mua lại từ những đầu mối khác, được đưa ra từ các nhà máy và không ai có giấy phép mua bán, vận chuyển.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, đơn vị này liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển, chôn lấp chất thải chưa qua xử lý không đúng quy định hoặc những vụ doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý chất thải nguy hại nhưng không làm đúng quy trình. Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, ước tính hiện có đến 60% chất thải nguy hại chưa được giám sát, trong đó có cả việc mua bán các thùng chứa hóa chất.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 công ty có chức năng xử lý rác thải công nghiệp, thực tế sở không có đủ người để giám sát. Đa số chất thải nguy hại do các doanh nghiệp từ miền Trung, miền Bắc vào thu gom nên không riêng gì Đồng Nai, nhiều tỉnh khác cũng khó quản lý. Các điểm mua bán thùng phuy - một loại rác thải nguy hại - hiện do cơ quan môi trường cấp huyện quản lý.
Xử lý nghiêm Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết hành vi mua bán và xử lý các loại chất thải nguy hại không đúng quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng cần phải được quản lý chặt. Chính quyền địa phương phải nhanh chóng kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở không có chức năng nhưng vẫn thu gom, mua bán các loại thùng chứa chất thải nguy hại. |
Bình luận (0)