Chị Nguyễn Thị Ngọt (40 tuổi, quê gốc Quảng Nam hiện tạm trú tại Huyện Hóc Môn, TP HCM) vừa trình đơn lên Công an quận Tân Bình để xác nhận mình là chủ nhân của chiếc loa chứa 5 triệu Yen.
Theo lời kể của chị Ngọt, hình dáng chiếc loa bên ngoài màu xám tro làm bằng sắt, có một số khe nằm ở giữa loa, nhìn vào bên trong làm bằng gỗ, hình chữ nhật. Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người thu mua ve chai lại tả nhiều chi tiết khác. Chiếc loa chị Hồng thu mua, bên ngoài có màu gạch làm bằng gỗ, có 4 chân, đồng thời rất nhiều dây dẫn điện.
Sáng ngày 28-4, chị Hồng mua báo Người Lao Động để theo dõi lời kể của người nhận là chủ nhân số tiền 5 triệu Yen.
Chị Hồng còn cho biết, nơi mua chiếc loa nói trên tại giao lộ Trần Văn Quang – Âu Cơ (quận Tân Bình). Còn lời kể của chị Ngọt, thì em họ của chị bán loa cho một người ve chai nói giọng miền Bắc tại hẻm 277 hương lộ 2.
Giải thích vì sao số tiền “khủng” mà lại bỏ trong chiếc loa, chị Ngọt cho biết: “Sau khi làm việc ở Nhật chồng tôi tính sẽ đi du lịch ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nên ông quyết định mang theo tiền mặt cho dễ tiêu xài. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam ông thích khí hậu, môi trường ở đây nên định ở lại định cư, dạy học luôn. Trong lúc dọn nhà từ quận 1 lên quận 12, ông mang 6 triệu Yen đi cất nhưng không nhớ để đâu”.
“Chồng tôi còn giải thích rằng, tiền Nhật dễ xài nên ông không chịu đổi sang đô Mỹ và tiền Việt Nam”, chị Ngọt giải thích thêm.
Theo lời kể của chị Ngọt, khả năng ông Efolayan Caleb về Việt Nam rất thấp vì phải chăm lo mẹ bệnh nặng. Hiện ông đang tiến hành làm giấy ủy quyền cho chị để tự giải quyết vụ 5 triệu Yen.
Chị Ngọt vẽ lại chiếc loa mà mình nhìn thấy có tiền Yen bên trong.
Ông M., một người dân sống cùng xóm với nhà chị Ngọt thuật lại, ông Efolayan Caleb thuê trọ sống với chị Ngọt ở Hóc Môn gần 3 năm. Suốt thời gian ấy, ông Caleb ít tiếp xúc và trò chuyện với những người trong xóm, ngay cả những người kế bên nhà cũng không hiểu rõ công việc 2 người.
“Có thời gian, ông Caleb cùng một người bạn của mình tự mở lớp dạy tiếng Anh tại căn trọ, nhưng chỉ khoảng 3-5 đứa trẻ tìm đến đăng ký học. Nhiều phụ huynh phàn nàn, ông Caleb dạy tụi nhỏ không hiểu, phát âm tiếng Anh không chuẩn nên tụi nó nghỉ học hết”, ông M. kể.
Giấy tờ chứng thực kết hôn giữa bà Ngọt và ông Efolayan Caleb, người Nigeria.
Ông M. cho biết: “Ông Efolayan Caleb và chị Ngọt có cuộc sống rất chật vật, khốn khổ. Lúc trước tui thấy hai người mua rất nhiều thùng giấy về nhà gói hàng. Nhưng sau đó, mang đi bán ve chai vì không kinh doanh được. Mà chúng tôi cũng không biết họ làm ăn gì mà lúc nào cũng lũi thũi trong nhà”.
Vì sao đến giờ G chị Ngọt mới nộp đơn?
Chị Ngọt cho biết, chị hay lên mạng để trò chuyện với chồng. Chị ít khi đọc các tờ báo ở trong nước, chỉ xem phim rồi đi ngủ. Giữa năm 2014 tình cờ chị đọc thấy trên báo viết tin về việc “Ve chai nhặt được 5 triệu Yen” nhưng không quan tâm vì chị không bán thứ gì. Đến đầu tháng 3-2015 nhìn thấy tờ tiền Yen giống với tờ giấy mình thấy trong chiếc loa. Ngay sau đó ngày 3-4- 2015 chị đã tìm đến công an quận Tân Bình để trình báo.
Bình luận (0)