Ngày 15-7, ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, xác nhận sở vừa gửi báo cáo cho Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) liên quan đến trường hợp tử vong của cháu Ngô Minh Triết (3 tuổi; ngụ thôn Tân Bình Trung, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) tại Bệnh viện (BV) Nhi Quảng Nam.
Báo cáo này được thực hiện sau khi Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam xác minh nội dung Báo Người Lao Động đăng tải.
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, qua nghiên cứu hồ sơ bệnh án cùng phản ánh từ thân nhân những bệnh nhi đang nằm tại BV đã chứng kiến quá trình tiếp đón và điều trị cho cháu Triết, sở nhận thấy việc tiếp đón, thăm khám đối với bệnh nhân Triết kịp thời, chu đáo. Bệnh nhi đã được thăm khám ngay và cho y lệnh xử trí kịp thời, phù hợp chẩn đoán, diễn tiến của bệnh. Cán bộ y tế cũng đã kịp thời thông tin cho người thân về diễn tiến và nguy cơ tiên lượng xấu của bệnh.
Ba mẹ cháu Triết hết sức đau buồn trước cái chết của con trai
"Mặc dù bệnh nhân đã được BV điều trị chu đáo, tổ chức hồi sức rất tích cực khi diễn biến xấu nhưng do bệnh diễn biến quá nhanh, bệnh nhi đã tử vong trong bệnh cảnh shock nhiễm trùng, trụy hô hấp, tuần hoàn không hồi phục sau 17 giờ nhập viện" – báo cáo nêu.
Về thắc mắc của gia đình vì sao con họ bị bệnh nhẹ lại tử vong, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho rằng bệnh của cháuTriết diễn tiến từ nhiễm trùng huyết đến shock nhiễm trùng là bệnh cảnh rất nặng, không phải nhẹ. Việc sau 1-2 ngày BV mới trả lời các câu hỏi của người nhà là vì phải chờ kiểm thảo tử vong xong, có cơ sở thực tiễn rõ ràng, đầy đủ.
Những thắc mắc mà chị Nguyễn Thị Thúy Vy (mẹ cháu Triết) muốn được BV giải đáp
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng cho biết qua nghiên cứu bệnh án và phỏng vấn thân nhân những bệnh nhân khác, sở chưa phát hiện có sự tắc trách của đội ngũ cán bộ y tế của BV Nhi Quảng Nam, việc gia đình nói BV tắc trách là nhận định chủ quan khi quá bức xúc.
Đối với thắc mắc của gia đình vì sao khi chích mũi thuốc lúc 21 giờ, cháu bé sốt cao, người tím dần, người nhà gọi 3 lần nhưng điều dưỡng chỉ nói giặt khăn lau, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam lý giải: Ngay khi chuyển về Khoa hồi sức trung tâm lúc 20 giờ 35 phút với chẩn đoán suy hô hấp độ 1, cảnh giác nhiễm trùng huyết, BV đã đổi kháng sinh, dùng Ceftriaxon và Vancomycyn để điều trị nhiễm trùng nặng. Do nhiễm trùng huyết, bệnh diễn tiến xấu dần và tiến tới shock nhiễm trùng. Dấu chứng sốt cao liên tục, người trẻ tím dần là biểu hiện của bệnh cảnh đang diễn biến xấu, không phải do tiêm thuốc hoặc do lau mát nhiều lần gây nên.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam
Về ý kiến khi cháu bé còn sống BV không quan tâm, chỉ chích tối đa 3 mũi thuốc, khi cháu bé mất rồi mới "nhiệt tình", Sở Y tế tỉnh Quảng Nam giải thích: Khi chưa có trụy mạch, suy hô hấp, việc dùng thuốc và chăm sóc người bệnh thực hiện theo y lệnh, không thể dùng thuốc quá nhiều. Khi bệnh nhân shock nhiễm trùng, hôn mê, kíp trực đã nỗ lực tối đa hồi sức tích cực với mọi phương tiện, khả năng với hy vọng khôi phục được tuần hoàn, hô hấp. Qua 60 phút không còn hy vọng gì mới ngưng hồi sức. "Đây không phải là "quá nhiệt tình giả tạo lúc cháu đã đi rồi" để che đậy khuyết điểm trong chăm sóc người bệnh" – Sở Y tế tỉnh Quảng Nam kết luận.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sáng 6-7, thấy con bị sốt cao, đau mắt, gia đình đưa cháu Triết lên khám và nhập viện tại BV Nhi Quảng Nam với chẩn đoán apxe mí trên mắt trái. Sau 17 giờ điều trị, đến 1 giờ 10 phút ngày 7-7, cháu bé đã bị tử vong. Mẹ cháu bé nói rằng khi cháu sốt cao và tím tái dần, 3 lần chị gọi nhưng điều dưỡng chỉ nói do sốt cao mà không hề kiểm tra hay báo bác sĩ, chỉ khi cháu bé bị nặng thì các bác sĩ, điều dưỡng mới "nhiệt tình".
Tóm tắt diễn biến điều trị ca bệnh
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tóm tắt diễn biến điều trị ca bệnh như sau: Tại bệnh án số 5783 của BV Nhi Quảng Nam, cháu Triết đến BV lúc 8 giờ 15 phút ngày 6-7 với triệu chứng sốt cao, áp xe mí trên mắt trái, đi cầu lỏng và nôn, được chẩn đoán áp xe mí trên mắt trái, viêm kết mạc, bệnh kèm viêm dạ dày ruột, được nhập viện điều trị tại Khoa Ngoại với Ceftizoxim tiêm tĩnh mạch, thuốc hạ sốt, Chlorpheniramin uống và Tobramycin 0,3% nhỏ mắt.
Đến 20 giờ 30 phút cùng ngày, trẻ mệt, rên rỉ, sốt cao, thở nhanh, tím môi, mất nước nhẹ, mắt trái có mủ xanh, được hội chẩn liên khoa và chuyển trẻ lên Khoa Hồi trức trung tâm với chẩn đoán áp xe mí trên mắt trái, theo dõi viêm phổi, biến chứng suy hô hấp độ 1, cảnh giác nhiễm trùng huyết. Trẻ được xử trí tích cực với ô-xy, truyền dịch, đổi sang kháng sinh Ceftriaxone và Vancomycyn, cho xét nghiệm cấy máu, mủ (hôm sau có kết quả dương tính với proteus spp), chụp Xquang phổi.
Lúc 0 giờ 10 phút ngày 7-7, huyết áp trẻ tụt và kẹp dần kèm khó thở, dấu hiệu shock nhiễm trùng rõ, trẻ được hồi sức tích cực với bù dịch, tiêm thuốc vận mạch, đặt nội khí quản và bóp bóng cùng với ép tim ngoài lồng ngực. Sau hơn 60 phút hồi sức không hiệu quả, bệnh nhi tử vong trong bệnh cảnh shock nhiễm trùng, trụy hô hấp, trụy tuần hoàn không hồi phục.
Bình luận (0)