Ngày 17-12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) sau thời gian xây dựng, triển khai thí điểm tại 3 bộ: NN-PTNT, Công Thương, Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và 6 tỉnh, TP: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải làm rõ vụ “chạy” công chức 100 triệu đồng. Ảnh: ĐỖ DU
Phải thanh tra ngay!
Tại buổi công bố, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc tới đây khi tiến hành đánh giá kết quả CCHC ở Hà Nội, Bộ Nội vụ có chú ý tới thông tin phải mất 100 triệu đồng mới có thể đỗ công chức thủ đô đang gây xôn xao dư luận, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), cho biết xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ công chức là một nội dung sẽ luôn được quan tâm, xem xét.
“Thông tin “chạy” công chức phải mất 100 triệu đồng mà anh Dực (ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội - PV) nói là rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, việc phát hiện tiêu cực trong lĩnh vực này không hề đơn giản” - ông Hòa nói và cho biết khi tiến hành điều tra đại trà, nếu phát hiện tiêu cực, Bộ Nội vụ cùng các đơn vị liên quan sẽ xem xét nghiêm túc.
Trong phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng về thủ tục hành chính, trong đó có việc nhiều thủ tục chưa công khai, minh bạch. Kết quả CCHC hằng năm sẽ là tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Phó Thủ tướng cho biết CCHC được coi là một trong 3 khâu đột phá và được tiến hành đồng bộ với cải cách kinh tế.
Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ trong bộ máy quản lý phải có ý thức làm tốt công việc, nhiệm vụ được giao. “Ở đây có đồng chí lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, tôi xin nói điều này. Khi một đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội nói tới tiêu cực ở cấp trưởng phòng nội vụ quận, huyện; dư luận báo chí, nhân dân đang xôn xao, bàn tán về tiêu cực đó thì các đồng chí cùng cơ quan liên quan phải tiến hành thanh tra, kiểm tra xem thế nào. Không phải cứ nói như vậy rồi không làm gì nữa đâu. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan phải vào cuộc, khắc phục, chấn chỉnh ngay hiện tượng tiêu cực” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Tôi không chịu sức ép nào!”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-12, ông Trần Trọng Dực cho biết những phát biểu của ông tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội về chuyện muốn đỗ công chức thủ đô phải chi không dưới 100 triệu đồng để “chạy” là dựa trên cơ sở dư luận nhân dân phản ánh.
“Ngoài 2 cán bộ mà tôi phát hiện và yêu cầu kiểm điểm (2 cán bộ Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong bị ông Dực phát hiện tự ý lấy bài của thí sinh để chấm - PV), việc tôi chỉ ra trưởng phòng nội vụ một số quận, huyện là đầu mối nhận hồ sơ, chạy việc thì phải biết chứ không thể lờ mờ được” - ông Dực nói.
Ông cho biết trách nhiệm của UBND TP Hà Nội là phải chỉ đạo các sở, ngành thanh tra ngay việc “chạy” công chức để ngăn chặn, tránh làm xấu hình ảnh thủ đô. “Đến thời điểm này, tôi không phải chịu sức ép nào cả!” - ông Dực thẳng thắn. Trả lời câu hỏi nếu cơ quan chức năng tiến hành thanh tra thì ông có sẵn sàng cung cấp hồ sơ, chứng cứ, ông Dực cho biết khi đấy sẽ tính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nông, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội, cho biết theo quy trình, việc này sẽ do Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện kiểm tra, xử lý. “Nếu cơ quan thanh tra của Hà Nội phát hiện những dấu hiệu vi phạm hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ cho chúng tôi làm tiếp” - ông Nông nói.
Bộ TN-MT “bét bảng”
Phương pháp đánh giá của chỉ số CCHC là kết hợp giữa đánh giá bên trong nội bộ cơ quan hành chính với đánh giá bên ngoài. Đối với cấp bộ, chỉ số CCHC được thiết kế trên 7 lĩnh vực: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC (1); xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ (2); cải cách thủ tục hành chính (3); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước (4); xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức (5); đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (6); hiện đại hóa hành chính (7).
Trong 7 lĩnh vực, Bộ Công Thương có nhiều lĩnh vực đạt chỉ số cao nhất (lĩnh vực 4, 5, 6, 7) nhưng ở lĩnh vực 1, bộ này lại có chỉ số thấp nhất so với các bộ còn lại. Riêng Bộ TN-MT ở nhiều lĩnh vực (2, 4, 5, 6) có chỉ số thấp nhất trong 3 bộ. Theo các chuyên gia, điều này xuất phát từ việc Bộ TN-MT quá chậm chạp trong việc xây dựng, cải cách thủ tục liên quan đến đất đai (trên 70% các vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai - PV). |
Bình luận (0)