Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa - Hà Nội vừa có báo cáo gửi đoàn thanh tra Sở Nội vụ TP Hà Nội và Bộ Nội vụ về kỳ thi tuyển công chức trên địa bàn. Trong đó, thống nhất cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Đỗ Ngọc Anh, Huyện ủy viên, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ứng Hòa; ông Nguyễn Đức Bình, trưởng Phòng Nội vụ huyện Ứng Hòa, mặc dù đã được điều chuyển về làm chủ tịch UBND xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa cách đây 2 tháng nhưng cũng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
cho biết sắp tới sẽ lắp camera và ghi âm tại tất cả các phòng thi. Ảnh: ĐỖ DU
Đã thanh tra từ trước
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, cho biết sẽ tạm thời giáng chức ông Đỗ Ngọc Anh xuống phó phòng, sau khi thanh tra có kết luận sẽ xem xét điều chuyển công tác. Theo ông Chiến, ông Đỗ Ngọc Anh và ông Nguyễn Đức Bình đều có liên quan đến thông tin “chạy” công chức mà ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, phản ánh.
Trong khi đó, báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa cho biết ông Đỗ Ngọc Anh và ông Nguyễn Đức Bình liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi tuyển công chức năm 2012. Riêng việc 2 ông này có nhận tiền để nâng điểm cho thí sinh đỗ công chức hay không sẽ tiếp tục được đoàn thanh tra Sở Nội vụ TP Hà Nội và Bộ Nội vụ làm rõ.
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (ảnh lớn ) sẽ lắp camera và ghi âm tại tất cả các phòng thi. Ảnh: UNGHOA.EDU.VN - ĐỖ DU
Phải xử tận gốc
Chiều 2-1, chúng tôi cũng có mặt tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) để làm rõ thông tin 2 cán bộ đang công tác tại đây bị ông Trần Trọng Dực đề nghị kiểm điểm, kỷ luật vì tự ý lấy bài thi để chấm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thụ, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, cho biết không hề có chuyện đó.
Theo ông Thụ, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong chỉ là 1 trong 3 điểm thi tuyển công chức TP Hà Nội năm 2012. Hội đồng thi tuyển do UBND TP Hà Nội thành lập và chỉ có hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tham gia nhưng hiện ông này đã nghỉ hưu. “Với vị trí trưởng Ban Giám sát kỳ thi tuyển công chức TP Hà Nội, có thể ông Dực nắm được chứ chúng tôi không hề biết” - ông Thụ nói.
Sắp tới, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong sẽ cho lắp đặt hệ thống camera, ghi âm tại tất cả các phòng. “Người nào trốn học sẽ không thể nhờ điểm danh hộ hoặc thi cuối kỳ. Các kỳ thi nói chung, tuyển công chức nói riêng sẽ được camera ghi lại cụ thể và cung cấp cho cơ quan liên quan khi cần thiết” - ông Thụ cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 2-1, ông Trần Trọng Dực cho biết mình không có tên trong đoàn thanh tra vụ “100 triệu đồng đỗ công chức” của TP Hà Nội. Trả lời câu hỏi đã làm việc với đoàn thanh tra để cung cấp những thông tin, chứng cứ hay chưa, ông Dực nói khi nào tổng hợp đầy đủ thông tin sẽ trao đổi thêm về vấn đề này.
Theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cử tri thủ đô đang mong muốn xử lý tận gốc những tiêu cực mà ông Dực nêu. “Không chỉ dừng ở đó, Hà Nội phải mở rộng ra những lĩnh vực khác xem việc chạy chức, chạy quyền, chạy công chức đang ở mức như thế nào. Phát biểu của ông Dực như phát súng phá vỡ những râm ran trong dư luận thủ đô bấy lâu nay về việc chạy công chức” - bà An nói.
Đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ” Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng thông tin “100 triệu đồng đỗ công chức thủ đô” đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nếu xử lý không triệt để thì người dân sẽ nghi ngờ về tính nghiêm minh của pháp luật. “Việc nhận tiền để nâng điểm thi hoặc duyệt đỗ công chức phải bị xử lý hình sự” - luật sư Hậu khẳng định. Theo Bộ Luật Hình sự, việc cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ”. “Khi một người đứng đầu cơ quan kiểm tra ở thủ đô đã phản ánh như vậy thì có nghĩa là bằng chứng khá rõ ràng. Nếu có đủ cơ sở, cơ quan thanh tra phải chuyển hồ sơ sang Công an TP Hà Nội để xử lý tiếp mới đúng quy trình” - luật sư Hậu nói. Cũng theo luật sư Hậu, việc UBND huyện Ứng Hòa điều chuyển công tác cán bộ đang vi phạm là không đúng với Luật Phòng chống tham nhũng. |
Bình luận (0)