* Phóng viên: Trung tâm đã tiếp nhận thông tin như thế nào, thưa ông?
- Khoảng 21 giờ ngày 2-8, chúng tôi nhận điện thoại từ ông Nguyễn Ngọc Tuấn - đại diện Công ty CP Bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina - báo có một tàu chở khách hết dầu tắt máy ở khu vực Cần Giờ. Khi nhận được tin báo này, chúng tôi đã điều tàu cứu hộ đi về khu vực được báo tàu gặp nạn.
Song song đó, lãnh đạo trung tâm cùng tập thể nhân viên đã tiếp tục gọi điện các đơn vị liên quan ở TP HCM thực hiện triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đồng loạt và yêu cầu Đài Phát thanh thông tin Duyên Hải phát thông báo cho các phương tiện đang lưu thông trong khu vực này cảnh giác, hỗ trợ cứu nạn.
Ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3. Ảnh: Phạm Dũng
* Phóng viên: Phải có đơn yêu cầu cứu nạn mới triển khai?
- Như tôi đã nói, khi nhận được tin từ ông Tuấn chúng tôi đã điều ngay phương tiện tiến ra Cần Giờ thực hiện công tác cứu nạn. Sau đó chúng tôi có yêu cầu ông Tuấn ghi lại một vài thông tin cơ bản để lưu bút tích chứ không phải như cách nghĩ của nhiều người là phải có đơn yêu cầu cứu nạn mới triển khai.
* Phóng viên: Quy trình cứu nạn cứu hộ diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Khi chúng tôi hỏi hải trình của tàu thì ông Tuấn chỉ nói là tàu xuất phát ở Tiền Giang còn ở cảng nào thì không biết. Nếu xuất phát từ Tiền Giang thì hải trình sẽ khác, còn ở Gò Công Đông thì sẽ khác. Ông Tuấn báo tin không rõ ràng, thiếu trung thực, không nắm rõ vị trí tàu gặp nạn, trên tàu có bao nhiêu người và còn khẳng định những người trên tàu đều có áo phao. Chính vì vậy chúng tôi đã mất không ít thời gian để làm rõ thông tin, xác định đúng chỗ tàu gặp nạn.
Sau một giờ nhận được tin báo, tàu chúng tôi đã ra đến khu vực tìm kiếm chiếc tàu gặp nạn. Tuy nhiên, lúc này sóng to, thủy triều đang lên và tàu cứu nạn đi vào vị trí tàu bị chìm chậm hơn do vùng nước rất nông. Theo tính toán, nếu tàu gặp nạn lúc 20 giờ mà trong điều kiện nước lớn thì những người gặp nạn có thể bị sóng đánh ra xa vị trí gặp nạn khoảng 7 hải lý. Do đó các tàu cứu nạn phải quét từ bán kính 7 hải lý trở vào để tìm kiếm nạn nhân. Khi phát hiện tàu gặp nạn thì chúng tôi phải đưa tàu chuyên dụng vào cứu người vì nước nông nên tàu lớn không thể vào. Đồng thời, lúc này lực lượng Biên phòng Cần Giờ cũng đã có mặt đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Đơn yêu cầu cứu nạn không rõ ràng, giấu thông tin tàu chìm
* Phóng viên: Công tác cứu hộ có gặp khó khăn gì không?
- Căn cứ của trung tâm nằm rất xa khu vực tàu gặp nạn, tàu chúng tôi phải đi trong luồng (đúng quy định - PV), đi trong đêm và gặp mưa mù nên tầm nhìn hạn chế. Ngoài ra, lúc đó nước xoáy và gió mùa tây nam nên không thể đi nhanh hơn được. Nhưng tôi lưu ý, tàu công vụ chúng tôi có thể đi nhanh hơn quy định cho phép nghĩa là nhanh hơn 7,5 hải lý/giờ nhưng chúng tôi không làm như vậy vì sẽ tạo sóng và nhấn chìm tất cả những phương tiện đánh bắt trên biển.
* Phóng viên: Có thông tin người nhà nạn nhân tụ tập trước cửa trung tâm phản đối dữ dội vì cho rằng công tác triển khai cứu hộ chậm trễ?
- Đúng là có việc một số người nhà nạn nhân tụ tập trước trung tâm phản đối vì hiểu nhầm chúng tôi triển khai chậm trễ. Tuy nhiên, lãnh đạo trung tâm đã mời người nhà vào giải thích tận tường về quy trình nhận tin báo, cứu nạn, cứu hộ như tôi đã trình bày với phóng viên bên trên.
* Phóng viên: Nhiều người cho rằng thảm họa này là một phần lỗi của trung tâm?
- Tôi không nghĩ như vậy vì trong vụ này chúng tôi nhận định Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 đã làm tròn trách nhiệm, nhiệt huyết và phối hợp nhanh chóng, kịp thời với các đơn vị bạn tại TP HCM.
Bài học chung cho những người báo tin đó là biết tàu gặp nạn thì điều cần làm là báo về trung tâm cứu nạn một cách nhanh chóng, chính xác. Khi tiếp nhận thông tin đầy đủ thì trong vòng 15 phút các phương tiện cứu nạn đã lên đường. Không nên tự xoay xở, tự giải quyết vì không ai có thể lường hết hậu quả xảy ra.
* Cảm ơn ông !
Bình luận (0)