Theo nội dung làm việc, Ban Chỉ đạo thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước chấp nhận khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, đồng thời chấp nhận bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần (thiệt hại do bị tạm giam 4.038 ngày là 211 triệu đồng (làm tròn số), thiệt hại do bị khởi tố, truy tố mà không bị tạm giữ, tạm giam 272 ngày là 14,2 triệu đồng. Tổng số tiền được bồi thường là 225,2 triệu đồng.
Riêng số tiền bồi thường thu nhập thực tế bị mất do ông Nhàn không chứng minh được vì thời gian đã lâu, không còn chứng từ chứng minh, sẽ được bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (theo mức lương tối thiểu 1.150.000 đồng).
Trước đó, ông Nhàn yêu cầu bồi thường gần 948 triệu đồng.
Ông Trương Bá Nhàn (phải) và luật sư Trần Văn Hiếu (Văn phòng Luật sư Người nghèo)
Như Báo Người Lao Động nhiều lần đã thông tin, năm 2001 có một vụ án mạng xảy ra tại quận Tân Bình. Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ dấu vân tay trùng khớp với vân tay ông Nhàn (bà con bạn dì với chồng nạn nhân) đồng thời thu giữ số vàng trong nhà ông Nhàn trùng khớp lời khai của chồng nạn nhân nên đã khởi tố, bắt giam về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”.
Tuy nhiên, trong quá trình bị điều tra và truy tố, ông Nhàn luôn kêu oan, cho rằng trước đó nạn nhân có nhờ kê lại tủ nên để lại dấu vân tay, còn số vàng là của mẹ vợ ông Nhàn vừa bán đất nhờ cất giữ (trước đó ông Nhàn có kể cho chồng nạn nhân nghe việc này). Mẹ vợ ông Nhàn và người mua đất cũng khai trùng khớp với ông Nhàn.
Ngày 8-6-2006, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nhàn. Ngay sau đó, ông Nhàn đã nhiều lần gửi đơn kêu oan đến các cơ quan tố tụng. Ngày 21-2-2013, Cục Bồi thường Nhà nước có công văn trả lời trường hợp ông Nhàn được bồi thường theo Nghị quyết 388 và cơ quan có trách nhiệm bồi thường là VKSND TP HCM.
Bình luận (0)