Thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành TN-MT năm 2016 không có sự kiện ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung đang gây dư luận trái chiều.
Theo quyết định công bố của Bộ TN-MT, các sự kiện được công bố chủ yếu là những “điểm sáng”, những mặt làm được của ngành trong năm 2016. Đại diện bộ cho biết việc bình xét căn cứ theo các tiêu chí tại Quyết định 2141 của Bộ TN-MT năm 2012 về quy chế bình xét, công bố các sự kiện nổi bật hằng năm của ngành TN-MT.
Theo đó, phải là những sự kiện có tính chất tiêu biểu, xuất sắc, điển hình, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển ngành và đất nước. Hoặc được tổ chức thực hiện với quy mô lớn, có ý nghĩa chính trị và phạm vi tác động sâu rộng, ảnh hưởng toàn ngành, toàn quốc, có ý nghĩa to lớn, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Hoặc sự kiện diễn ra lần đầu, được cộng đồng xã hội đánh giá cao; tạo ra sự chuyển biến mang tính đột phá và là tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Lý giải về điều này, ông Vũ Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng (Bộ TN-MT), cho rằng vụ việc Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung là sự cố chứ không phải sự kiện. Tuy vậy, trong quá trình xét chọn, Bộ TN-MT đã đưa sự cố này vào một trong những phương án để lựa chọn theo chiều hướng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, hội đồng bình chọn đã không bỏ phiếu cho đề xuất này. Do đó, sự cố môi trường biển miền Trung không nằm trong những tiêu chí để lựa chọn bình xét dù đã được đưa vào bình xét với ý nghĩa tích cực là nỗ lực của nhiều cơ quan, ban - ngành trong tìm ra nguyên nhân và khắc phục.
Trước sự việc này, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng có thể thông cảm bởi những tiêu chí của bộ đưa ra là nêu các mặt, các sự kiện nổi bật, tích cực, góp phần cho phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, việc dư luận chưa hài lòng cũng có cơ sở bởi sự cố biển miền Trung là một bài học đắt giá đối với Việt Nam, một bài học mà cái giá phải trả quá lớn mà đến giờ cũng chưa khắc phục hết. Với ý nghĩa coi đây là một bài học thì sự cố này nên được nhìn nhận tổng thể để rút ra phương hướng cho chiến lược làm kinh tế gắn với môi trường trong thời gian tới.
“Giống như phát biểu của các vị lãnh đạo đất nước là không đánh đổi phát triển môi trường với phát triển kinh tế bằng mọi giá. Vậy thì nhìn nhận sự kiện này như một mặt chưa được bên cạnh cái đã làm được để sắp tới đây, cái nào được thì phát huy, cái nào không được thì rút kinh nghiệm sẽ phù hợp, thiết thực hơn” - ông Hoàng nói.
Mở rộng hơn, ông Trương Minh Hoàng cho rằng bất cứ bộ, ngành, địa phương nào hằng năm đều tổng kết những mặt được, không được, chỉ ra nguyên nhân để khắc phục. Những nội dung đó đều được đưa vào báo cáo của bộ, ngành hoặc địa phương đó; được trình bày và mổ xẻ công khai tại các cuộc họp của bộ, ngành, Chính phủ. Thậm chí, Nghị quyết của Đại hội Đảng cũng đề cập đầy đủ các vấn đề. Như vậy, không hẳn là những điểm chưa tốt không được nhắc đến.
“Nếu bình chọn để công bố thì cũng không nên chỉ đưa toàn màu sáng mà cần có cả mặt không được. Không riêng Bộ TN-MT mà Bộ Công Thương hay những bộ, ngành khác năm nay cũng có nhiều vấn đề đã và đang được chỉ ra để khắc phục. Nên chăng thẳng thắn công khai để có hướng làm tốt hơn” - ông Hoàng bày tỏ.
Bình luận (0)