Phóng viên: Nhận định của ông về sự việc nguyên quyền Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) Giang Kim Đạt vừa bị bắt vì hành vi tham nhũng đến 18,6 triệu USD?
- Ông Phí Ngọc Tuyển: Tôi không thể hiểu nổi Vinashin quản lý kiểu gì mà để cho một ông cấp phòng có thể chiếm đoạt được một lượng tài sản lớn như thế. Rõ ràng khâu quản lý của đơn vị này trước đây rất lỏng lẻo.
Vụ việc như một hồi chuông cảnh báo. Từ đây, công tác phòng chống tham nhũng phải hết sức chú trọng việc quản lý, kinh doanh ở các doanh nghiệp nhà nước.
Tại sao một lãnh đạo cấp phòng lại có thể chiếm đoạt số tiền lớn như vậy? Phải chăng có người giúp sức?
- Cơ quan báo chí cũng như mọi người đều có quyền đặt ra nghi vấn, còn kết quả cuối cùng phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nhưng tôi khẳng định để xảy ra vụ việc là do sơ hở ở khâu quản lý kinh tế nói chung, trong các doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Để khắc phục, trước hết cần đẩy mạnh cổ phần hóa. Đây cũng là biện pháp để phòng ngừa tham nhũng.
Hằng năm đều có các đoàn thanh tra, kiểm toán đến làm việc tại Vinashin nhưng tại sao không phát hiện sai phạm?
- Nhìn toàn cục, có thể nói hệ thống kiểm tra có vấn đề. Mỗi giai đoạn thanh tra, kiểm toán có nội dung rất khác nhau nên có thể không bao quát hết và còn có những trường hợp đặc biệt. Vụ Giang Kim Đạt liên quan đến nước ngoài rất nhiều nhưng những chế định thanh tra, kiểm toán không thể nào quán triệt được yếu tố nước ngoài ấy.
Thanh tra Chính phủ đang đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Luật Thanh tra để làm sao hệ thống thanh tra có thể tham gia xử lý những vấn đề có yếu tố nước ngoài. Có thể nói hệ thống pháp luật chúng ta chưa hoàn chỉnh, có lỗ hổng. Giờ chúng ta phải “bắt mạch” xem lỗ hổng ấy ở đâu.
Nói pháp luật có lỗ hổng nhưng khi xảy ra tham nhũng thì phải có cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm, đơn cử là vụ Giang Kim Đạt?
- Hệ thống pháp luật của chúng ta đang có những cải cách. Trong đó, chuyện về trách nhiệm được đề cập sâu. Nếu trách nhiệm không rõ ràng thì không thể quy cho ai được. Riêng trong vụ Giang Kim Đạt sẽ quy trách nhiệm cho ai, đơn vị nào thì rất rộng, rất nhiều, như trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kinh tế…
Bài học phòng chống tham nhũng rút ra từ vụ Vinashin nói chung và Giang Kim Đạt nói riêng là gì, thưa ông?
- Vụ Vinashin nói chung là một bài học đích đáng, thúc đẩy nhà nước nhìn nhận vấn đề quản lý đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Sắp tới, khi sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng sẽ đề cập chống tham nhũng trong các lĩnh vực tư để phạm vi tác động của luật được phủ rộng trên mọi lĩnh vực. Bất kể ai lợi dụng quyền lực công cho lợi ích riêng đều bị coi là hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) - đang trong quá trình lấy ý kiến - có một ý rất quan trọng là xử lý hành vi tham nhũng. Trong đó, trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định rõ và hướng vào chuyện sẽ xử lý thu hồi tài sản thay vì quá chú ý vào biện pháp giam giữ.
Nhân rộng sáng kiến phòng chống tham nhũng
Sáng 16-7 tại TP HCM, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị phổ biến và nhân rộng sáng kiến phòng chống tham nhũng nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân vào công tác này cũng như bảo đảm tính bền vững của những kết quả đã đạt được thời gian qua.
Hội nghị đã giới thiệu 10 sáng kiến được Thanh tra Chính phủ lựa chọn làm mô hình nhân rộng của Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Trong đó, đáng chú ý là sáng kiến “Nói không với phong bì trong y tế” do Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo phát triển cộng đồng thực hiện.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy cho biết ban tổ chức Chương trình Nhân rộng Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam sẽ tiếp tục nhận đề án tham gia đến ngày 20-11.
Ph.Anh
Không khó thu hồi tài sản Giang Kim Đạt
Đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của đơn vị này, tổ chức ngày 16-7.
Đề cập việc bắt được Giang Kim Đạt sau 5 năm truy nã, ông Tuấn bày tỏ: “Nếu chúng ta không kiên trì thì xã hội không biết một cán bộ rất ít tuổi, chỉ ở cấp trưởng phòng lại có thể dễ dàng tham nhũng một khối tài sản lớn như vậy”.
Ông Tuấn cho biết hiện nay, vấn đề thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt còn phụ thuộc vào việc giữa Việt Nam và quốc gia mà đối tượng này có tài sản có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hay không. “Rất may là số quốc gia tham gia công ước về chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc tương đối nhiều. Việc kê biên hoặc phong tỏa tài sản của Giang Kim Đạt ở nước ngoài, đặc biệt là Singapore, tôi nghĩ không khó bởi trong quá trình bắt giữ đối tượng này, Việt Nam được Interpol và Singapore hỗ trợ tích cực” - ông Tuấn nhận định.
Nguyễn Quyết
Bình luận (0)