xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ lấp sông Đồng Nai: Phản biện chứ không làm giùm!

Bài và ảnh: Minh Khanh

TS Vũ Ngọc Long cho rằng việc GS-TS Nguyễn Văn Phước yêu cầu những người phản biện phải chạy mô hình thì khác nào làm giùm đánh giá tác động môi trường cho dự án!

Ngày 14-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Vũ Ngọc Long cho biết để có cơ sở vững chắc phản biện dự án, bản thân ông và nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau đã tiến hành những hoạt động nghiên cứu đánh giá nhanh, độc lập về tác động môi trường và xã hội của dự án lấp sông Đồng Nai. Sau khi đối chiếu với hồ sơ dự án, các chuyên gia nhận thấy quá trình triển khai cũng như đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có quá nhiều khiếm khuyết.

Địa hình biến động nhiều

Theo TS Long, triển khai dự án thời điểm nào thì phải khảo sát hiện trường thời điểm ấy, không thể nói biến động không đáng kể mà sử dụng số liệu cũ. Trên thực tế, địa hình sông Đồng Nai từ năm 2008 đến nay có sự thay đổi lớn chứ không phải không đáng kể.

TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, sử dụng máy dò thủy âm Sonar khảo sát địa hình khu vực dự án lấp sông Đồng Nai
TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, sử dụng máy dò thủy âm Sonar khảo sát địa hình khu vực dự án lấp sông Đồng Nai

Kết quả đo đạc bằng máy dò thủy âm Sonar do TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, thực hiện cho thấy địa hình và cấu tạo lòng sông không ổn định, có khuynh hướng bị đào khoét sâu hơn trước đây, đặc biệt là có nhiều khối đá khá nông và nhiều hố sâu tới 17-18 m.

“Nhiều khả năng hiện tượng này do bơm hút cát tạo nên vì khu vực từng là điểm nóng khai thác cát lậu. Điều này khiến cấu trúc dòng chảy trở nên phức tạp, nhất là khi có lưu lượng lớn vào mùa lũ. Cấu trúc địa chất lòng sông vốn đa dạng, gồm: đá gốc và trầm tích bở rời là cát, bột sét và chính điều này sẽ làm cho địa mạo lòng sông dễ bị biến dạng khi dòng chảy bị tác động. Có nơi do đá ngầm dưới lòng sông mà dòng chảy bị ép sát bờ tạo nên hố xói sâu. Thế nhưng, địa hình lòng sông thể hiện trong ĐTM không có những khối đá và hố sâu này” - TS Long dẫn chứng.

TS Tô Văn Trường khẳng định chính trong ĐTM, kết quả chập mặt cắt cho thấy khu vực này hầu hết địa hình có hiện tượng bị hạ thấp từ 1-3 m hoặc một số đoạn tim sông bị lệch, chứng tỏ địa hình lòng sông đã thay đổi rất nhiều.

“Tỉnh Đồng Nai chỉ có số liệu quan trắc về mực nước, còn địa chất và hình thái lòng sông thì chưa có. Vì thế, ĐTM chỉ đánh giá dựa vào số liệu tỉnh Đồng Nai cung cấp mà không khảo sát thực tế địa hình đáy sông là không đáng tin cậy. Bản thân đơn vị thực hiện ĐTM còn không đi khảo sát thì lấy lý do gì yêu cầu các chuyên gia phản biện phải chạy mô hình? Chúng tôi đã thu thập dữ liệu, tính toán, phân tích giờ còn yêu cầu chạy mô hình nữa thì khác nào làm luôn ĐTM cho chủ đầu tư!” - TS Long nói.

Bằng chứng rất thuyết phục

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề quan trọng chưa được đề cập trong ĐTM như chưa mô tả và đánh giá hiện trạng hệ sinh thái đất ngập nước ven sông Đồng Nai tại khu vực dự án. ĐTM không có số liệu mới (sau năm 2011) về hệ sinh thái nước nên khó đánh giá tác động xấu của công tác xây dựng và xả thải đến hệ sinh thái nước.

ĐTM cũng không có thông tin về kinh tế, nghề nghiệp, thu nhập, văn hóa của các hộ gia đình trong và ven dự án. Do vậy, khó dự báo tác động của dự án đến các công trình này và đối với người dân địa phương. ĐTM cũng chưa dự báo được khả năng sẽ gây ra bồi xói, sạt lở bờ sông do thay đổi chế độ thủy văn. Từ các nghiên cứu, đánh giá độc lập, các chuyên gia nhận định ĐTM còn khá sơ lược về đánh giá hiện trạng, dự báo tác động và biện pháp giảm thiểu.

Là người tham gia Hội thảo Phát triển bền vững lưu vực sông - Thách thức và giải pháp, tổ chức ngày 12-5 ở Hà Nội, GS-TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, khẳng định nhóm chuyên gia phản biện dự án lấp sông Đồng Nai đã làm việc hết sức nghiêm túc và trách nhiệm.

“Ngoài báo cáo phân tích tính pháp lý của dự án, đánh giá độc lập về môi trường - kinh tế - xã hội, họ còn có các video clip về quá trình thực hiện. Các số liệu, lập luận và bằng chứng rất thuyết phục. Đây là các tài liệu rất có giá trị mà các cơ quan chức năng cần tham khảo trong quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến dự án” - GS Huỳnh nhận định.

Chưa tuân thủ quy định

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả kiểm tra, đánh giá việc thực hiện dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, quá trình thực hiện dự án có nhiều vấn đề chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành. Cụ thể, đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000, phường Quyết Thắng đã xác định khu đất dự án khi chưa thực hiện quy trình điều chỉnh cục bộ các nội dung liên quan đến đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chưa xác định rõ chức năng đô thị cho khu đất dự án (bao gồm khu công viên cây xanh cảnh quan và các công trình xây dựng nhà ở, thương mại... như dự án đang được thực hiện).

Ngoài ra, quá trình lập quy hoạch chi tiết của dự án kéo dài nhưng cơ quan chức năng chỉ lấy ý kiến cộng đồng dân cư 1 lần, 2 năm sau mới phê duyệt đồ án nên có thể chưa đáp ứng được sự quan tâm của các bên liên quan. Đặc biệt, quy mô dự án không thống nhất giữa Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 vào năm 2013 và quyết định về việc chấp thuận đầu tư được ký năm 2014.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo