Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong ngày 11-3, đã có 23 máy bay, 31 tàu của Việt Nam và nước ngoài tham gia tìm kiếm máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH 370 của Malaysia Airlines chở theo 239 người nghi mất tích đêm 7 rạng sáng 8-3.
Quần thảo mọi địa hình
Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không Việt Nam cho biết sáng 11-3, Việt Nam đã cho phép Trung Quốc điều thêm 1 máy bay từ Hải Nam đến khu vực tìm kiếm. Cùng ngày, Úc, Anh, Pháp cũng đề nghị cử phương tiện tham gia tìm kiếm máy bay MH 370 trong không phận Việt Nam.
Riêng Việt Nam đã sử dụng 9 máy bay gồm: 3 AN 26, 3 Mi 171, 2 CASA, 1 DHC6 bay 13 chuyến; 9 tàu các loại gồm: SAR 413, SAR 272, CSB 2002, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888 tìm kiếm tại hiện trường, mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm hôm trước, xác minh các vật thể do máy bay phát hiện...
Điểm đáng chú ý, khoảng 10 giờ 53 phút, máy bay CASA-8981 phát hiện vật thể lạ dài khoảng 3 m trên vùng biển cách phía Đông Nam đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang khoảng 80 hải lý. Đến 14 giờ 1 phút, máy bay DHC6 cất cánh từ Phú Quốc đi xác minh vật thể lạ này.
Trong buổi họp báo tại Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn ở Phú Quốc (Kiên Giang) chiều tối 11-3, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân QĐND Việt Nam, khẳng định công tác tìm kiếm chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Dù trong ngày, trực thăng Mi 171, máy bay CASA-212 đã được tăng cường và vùng tìm kiếm được mở rộng nhưng vẫn chưa thấy dấu vết nào của máy bay mất tích.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực dò tìm, nắm bắt thêm thông tin, tập trung trong khu vực có khả năng cao; đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin với các nước tham gia tìm kiếm...” - thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nêu rõ.
Cùng thời điểm này, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng tổ chức họp báo tại Hà Nội. Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, xác nhận vật thể lạ cách đảo Thổ Chu 80 hải lý không liên quan đến chiếc máy bay mất tích. Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, cuộc tìm kiếm có thể kéo dài nên phải bố trí lực lượng cho hợp lý. Mặt khác, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng cứu hộ.
Chủ trì cuộc họp, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết đã yêu cầu việc huy động tàu phải luân phiên nhau chứ không làm cùng lúc, phải có điều hành, điều tiết để tránh bị rối.
“Cần xác định tìm kiếm lâu dài chứ không ồ ạt như mấy ngày qua, phải thực hiện tìm kiếm 24/24 giờ, bất kể ngày đêm. Nếu phát hiện máy bay mất tích thì phải huy động lực lượng để xử lý ngay... Đến nay, trên vùng biển còn có các phương tiện của nước bạn nên Cục Cứu hộ - Cứu nạn Bộ Quốc phòng phải có lực lượng dẫn dắt, quản lý vì đây là vùng biển của Việt Nam” - ông Tỵ yêu cầu.
Mở rộng tìm kiếm trên đất liền
Theo Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, hôm nay (12-3), các lực lượng sẽ lấy đường bay của máy bay mất tích làm trục chính, mở rộng hướng tìm kiếm ra đất liền tại khu vực các quân khu 5, 7, 9 và giáp biên giới Campuchia, Lào. Lực lượng không quân xây dựng kế hoạch sử dụng 4 máy bay bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 theo hướng Kuala Lampur (Malaysia) - Bắc Kinh (Trung Quốc). Trên biển sẽ sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài. Singapore cũng sẽ đưa phương tiện dò tìm dưới nước vào Việt Nam hỗ trợ việc tìm kiếm.
Theo báo cáo của Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã thông báo cho 2 quân khu 7 và 9 đề phòng có thể phát hiện dấu vết ở rừng núi.
Chiều 11-3, Sư đoàn Phòng không 367 - Quân chủng Phòng không - Không quân đã chuyển thiết bị, khí tài thành lập trạm radar, thuộc Sở Chỉ huy tiền phương không quân tại khu vực sân bay Cà Mau. Một sĩ quan Sư đoàn Phòng không 367 cho biết trạm radar này được thành lập để chỉ huy dẫn đường các máy bay tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Công bố đường dây nóng 0773847508, 0773846704
Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc đã công bố 2 số điện thoại nóng để cung cấp thông tin cho báo chí cũng như tiếp nhận mọi thông tin về máy bay mất tích. Đó là 2 số điện thoại: 0773847508 và 0773846704, tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi. Người dân quan tâm đến kết quả tìm kiếm cứu nạn cũng có thể liên lạc với 2 số điện thoại nêu trên.
Bình luận (0)