Hơn 3 năm trước, 20 chiến sĩ đã hy sinh trong vụ rơi máy bay Mi 171 tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội), chỉ duy nhất thượng úy Đinh Văn Dương may mắn sống sót. Khuôn mặt đã biến dạng, cả tay và chân không còn lành lặn nhưng anh đã vượt qua số phận bằng nghị lực sống phi thường.
Nhớ đồng đội, nhớ bầu trời
Tháng 9-2016, anh Dương xuất ngũ, được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành để sinh hoạt cùng hơn 90 thương binh tại đây. Nhớ đồng đội - nhớ bầu trời, đó là chia sẻ của anh Dương khi nghĩ về những năm tháng trong quân ngũ. Đối với người lính như anh, được vùng vẫy trên bầu trời trong những lần huấn luyện nhảy dù là những ký ức không bao giờ quên. "Nhiều lúc tôi thèm cảm giác hồi hộp khi chuẩn bị nhảy dù, nhớ những lúc bồng bềnh trên không trung trong mỗi lần tập luyện" - anh Dương nhớ lại.
Đúng 4 tháng 1 ngày, anh Dương mới tỉnh dậy tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Viện Bỏng quốc gia), máy móc được rút ra khỏi cơ thể, những người đầu tiên anh nhớ tới là bố mẹ, vợ, các con và đồng đội. Anh chia sẻ: "Tôi còn sống, tuy không lành lặn nhưng đã là hạnh phúc so với những đồng đội của mình. Dù đau đớn, mất mát nhưng tôi đã trở về rồi. Nỗi đau của tôi, sự vất vả của gia đình có là gì so với tổn thương mà những người vợ, người mẹ của các đồng đội đang gánh chịu trong suốt hơn 3 năm qua".
Nhờ kiên trì tập luyện hồi phục chức năng, đôi tay không còn lành lặn của anh Dương đã sử dụng được điện thoại
Vừa qua, anh cùng gia đình về lại nơi 3 năm trước chiếc máy bay huấn luyện bị rơi. Nơi đây, di ảnh 20 đồng đội vẫn được người dân đặt trang trọng trong nhà tưởng niệm. "Ở đó, đồng đội tôi được người dân địa phương hương khói mỗi ngày. Nhìn di ảnh những người đồng chí, đồng đội, tôi không cầm được nước mắt" - anh Dương nghẹn ngào. Có lẽ đối với anh, mỗi lần trở lại nơi các đồng đội hy sinh là một lần tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Mong muốn chưa thể thực hiện
Hơn 29 tháng điều trị trong bệnh viện, khoảng thời gian đó thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. "Từ những lúc yếu lòng, tôi tưởng chừng như buông xuôi tất cả. Nhưng rồi vì gia đình, vì 2 con, tôi lại chiến đấu không ngừng nghỉ. Những cuộc phẫu thuật, những lần cấy da đau đến ứa nước mắt để đến giờ tôi có thể ngồi khỏe mạnh trên chiếc xe lăn này" - anh Dương mỉm cười.
Anh Dương chia sẻ về dự định viết một cuốn hồi ký. Trong đó, anh dành những trang viết kể về ngày trong quân ngũ, về thời khắc anh cùng 20 đồng đội gặp nạn. Hơn hết là viết cho 891 ngày điều trị trong bệnh viện của anh với 24 lần phẫu thuật, những ngày tập hồi phục chức năng đã lấy đi của anh cả nước mắt và máu. Anh mong muốn có một đôi tay giả để tự mình làm được các việc vệ sinh cá nhân, ăn uống. Song, mong muốn đó chưa thể thực hiện bởi chi phí để ghép một đôi tay giả quá lớn.
Thương vợ gồng gánh cả gia đình
Ngày chồng hồi tỉnh trong bệnh viện, chị Nguyễn Thị Hải - vợ anh Dương - bế con trai thứ hai vừa được 4 tháng tuổi vào thăm, cho con sờ cánh tay cha đang chằng chịt những dây truyền, thiết bị y tế. Nay cậu con trai này được 3 tuổi, còn con gái lớn đã học lớp 2. "Nhìn các cháu lớn khôn, mạnh khỏe, tôi như thấy mình được sống thêm lần nữa. Tất cả niềm vui đó là công lao của vợ tôi, của ông bà hai bên. Ngày mới xuất viện, các cháu còn chưa quen với hình ảnh một ông bố "sần sùi, dị dạng" nhưng tình cha con đã khiến mọi rào cản bị xóa bỏ" - anh Dương nghẹn ngào.
Bình luận (0)