Một người bị cáo buộc tội giết người, bị phạt tù chung thân, đã thụ án hơn 10 năm trước khi được xác định là không có tội và được trả tự do. Câu chuyện có thể tóm gọn trong vài từ; còn những mất mát vật chất và đặc biệt là nỗi đau, buồn, tổn thương và tủi nhục của người bị kết tội nhầm và chịu án oan cũng như của người thân thuộc thì chẳng biết bao nhiêu giấy mực mới đủ để mô tả.
Từ rất sớm, người ta đã nhận biết những rủi ro trong vận hành của hệ thống tư pháp: quyền phán xét nhân danh luật pháp, công lý có thể rốt cuộc lại được thực hiện như một đòn giáng vào người vô can theo kiểu tai họa từ trên trời rơi xuống. Lý do là quyền đó nằm trong tay con người và chẳng ai không có khuyết tật, điểm yếu có thể dẫn đến làm bậy, làm sai. Vấn đề đối với nhà nước là phải làm thế nào để khuyết tật, điểm yếu của người thực thi phận sự công trong lĩnh vực tư pháp được khống chế để không gây tác hại.
Một trong những việc làm nhằm đạt mục đích đó là phân chia quá trình xử lý một người bị cho là phạm tội thành nhiều giai đoạn: điều tra, truy tố, xét xử. Những người được trao thẩm quyền ở các giai đoạn khác nhau hoạt động độc lập với nhau và người tiến hành tố tụng ở giai đoạn sau có trách nhiệm cũng như có quyền kiểm tra công việc của người ở giai đoạn trước. Trong chuỗi tác nghiệp đó, người xét xử - quan tòa - giữ quyền phán xét tối hậu.
Có thể trong phần lớn các trường hợp, những người bị cơ quan điều tra đặt vào diện tình nghi cao rốt cuộc đúng là người phạm tội. Nhưng không thể từ đó đánh đồng tất cả nghi can với tội phạm ngay từ đầu. Nếu cứ khăng khăng giữ định kiến với người bị tình nghi, người ta dễ biến quá trình tố tụng thành một tập hợp những biện pháp tác nghiệp mang tính thủ tục để hợp thức hóa một kết luận đã có sẵn. Thậm chí, có khi những biện pháp trái luật, như bức cung, mớm cung... được sử dụng với mong muốn kết thúc nhanh việc điều tra.
Để ngăn chặn xu hướng quy kết sớm và tùy tiện, luật thường quy định dù ở giai đoạn nào, một khi việc xử lý chưa kết thúc, người bị tình nghi phạm tội phải được suy đoán là không có tội: người này không cần phải ra sức thanh minh với xã hội, với cơ quan thẩm quyền rằng mình vô tội; họ thậm chí có quyền im lặng. Chính các cơ quan được phân giao chức năng xác định tội phạm và truy tầm kẻ phạm tội, đặc biệt là cơ quan điều tra, phải nỗ lực đưa sự thật ra ánh sáng; cơ quan công tố mà muốn cáo buộc một người vào một tội danh nào đó thì phải trưng ra những chứng cứ kèm lý lẽ buộc tội thuyết phục đối với công luận, quan tòa.
Cùng với nguyên tắc suy đoán vô tội và sự phân chia quá trình tố tụng thành nhiều giai đoạn, sự thừa nhận vai trò của luật sư cũng cần thiết. Cần tạo điều kiện để luật sư tham gia tố tụng ngay từ đầu và thừa nhận cho người này những quyền rộng rãi trong việc thu thập chứng cứ cho phép bảo vệ thân chủ của mình trước những cáo buộc. Trong tranh tụng trước tòa án, luật sư phải được đặt ở vị thế đối trọng với cơ quan công tố và tiếng nói của cả hai bên phải được thẩm phán lắng nghe như nhau, không bên trọng, bên khinh.
Từ những vụ xử oan sai, cần rà lại toàn bộ hệ thống xem chỗ nào chưa ổn để có biện pháp sửa chữa, tránh tái diễn việc tương tự về sau. Tất nhiên, người bị xử oan, bị thiệt hại vô lý, bất công thì phải được đền bù; những người đã làm việc tùy tiện, vô trách nhiệm dẫn đến oan sai, nếu có, hẳn sẽ bị xem xét trách nhiệm và bị chế tài tương xứng với hậu quả họ gây ra. Nhưng chắc chắn chẳng có sự bồi thường nào, biện pháp xử lý nào đối với người thực thi công vụ tắc trách, là sự bù đắp hoàn hảo: Ai hốt lại được trọn vẹn nước trong bát đã đổ đi?
Bình luận (0)