Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ ngày 6 đến 13-10, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều điểm cất giấu hàng trăm phách gỗ với khối lượng lên đến trên 45 m3, tại địa phận rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa. Một số thông tin cho rằng cơ quan quản lý không những đã làm mất rừng mà còn để mất tang vật là 2 phách gỗ trong số 66 phách được phát hiện đầu tiên vào ngày 6-10.
2 trong số hàng trăm phách gỗ là tang vật trong vụ phá rừng đã “không cánh mà bay” Ảnh: Công Thành
Ngày 28-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Văn Hươm, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang, xác nhận việc này là có thật. Theo đó, sau khi phát hiện số lượng gỗ quý kiền kiền và gõ tại địa phận rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã tiến hành lập biên bản tất cả 66 phách gỗ với khối lượng hơn 14 m3. Số gỗ này được giao cho Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (thuộc Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng) vận chuyển về Trạm kiểm lâm Dốc Kiềng (huyện Đông Giang). Tuy nhiên, sau quá trình vận chuyển, hiện tại chỉ còn lại 64 phách.
Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cũng xác nhận Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa đã làm mất 2 phách gỗ là tang vật trong vụ phá rừng.
“Chúng tôi đã quy trách nhiệm cho Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa phải chịu trách nhiệm”- ông Lương cho hay.
Liên quan đến vụ phá rừng này, chiều 27-10, UBND TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với các ban ngành liên quan. Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng vụ việc đã trôi qua 20 ngày nhưng đến nay chưa có kết quả điều tra, chưa xử lý cán bộ trạm và kiểm lâm địa bàn là chậm.
Xác định đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng, UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với kiểm lâm, công an, UBND huyện Hòa Vang và các đơn vị liên quan phải hoàn tất việc kiểm điểm cán bộ quản lý rừng và kiểm lâm tại trạm Cà Nhông trong tháng 10; tháng 11 phải hoàn thành việc điều tra địa điểm, nguồn gốc gỗ và đối tượng phá rừng.
Bình luận (0)