Ngày 8-5, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ký báo cáo hỏa tốc về vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở tỉnh này gửi Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình.
Vợ tài xế xin lỗi nạn nhân
Báo cáo cho biết trong số 13 người chết và 32 người bị thương có tài xế xe tải Võ Văn Quý đang hôn mê sâu. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả tài xế Võ Văn Quý âm tính với ma túy. Tuy nhiên, do nghi ngờ nhiều loại ma túy mới chưa thể phát hiện bằng các biện pháp thông thường, ngành chức năng đã lấy mẫu gửi cấp cao hơn để xét nghiệm thêm một lần nữa.
Vợ tài xế xe tải Võ Văn Quý thăm hỏi các nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện Ảnh: CAO NGUYÊN
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Gia Lai cho biết do không phát hiện chất ma túy nên đặt vấn đề về biểu hiện tâm lý, điều kiện sinh hoạt hằng ngày của tài xế. "Rất mong tài xế xe tải sống để tìm hiểu lý do gì mà chạy với tốc độ đó, bóp còi liên tục, đi vào đường một chiều. Có vấn đề gì về gia đình hay không" - một lãnh đạo Sở GTVT Gia Lai nói và cho biết đã loại trừ các nguyên nhân xe tải đứt phanh, kẹt chân ga, trục trặc kỹ thuật.
Trong ngày, chị Quách Thị Phúc, vợ tài xế Quý, chăm sóc chồng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, liên tục hỏi thăm sức khỏe những nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn và mong họ sớm bình phục. Chị đến tận giường điều trị một số nạn nhân để xin lỗi những gì do chồng gây ra.
Ông Phạm Danh Ngôn, Trạm trưởng Trạm thu phí số 1 (Công ty CP BOT và BT Đức Long Gia Lai), cho hay chiếc xe tải chạy rất nhanh, tông bay thanh chắn khi qua trạm. Nhân viên trạm tưởng xe mất thắng nên dùng xe máy đuổi theo để truy thu lệ phí. "Thường nếu bị mất thắng thì xe chỉ chạy đến đoạn ngang qua Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai là dừng lại. Tuy nhiên, nhân viên trạm đuổi đến đó mà không thấy đâu nên biết là không phải mất thắng mà xe chạy luôn rồi" - ông Ngôn nói và cho biết sau những vụ việc như thế là trạm báo cho CSGT. Tuy nhiên, do trời còn tối nên dự định để sáng mới báo. Cũng theo ông Ngôn, nghĩ xe này còn đi qua nên trạm lưu biển số vào máy để giám sát, truy thu phí khi xe quay lại.
Đại tá Phạm Văn Uấn, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai, cho biết trước khi xảy ra tai nạn khoảng 10 phút, tổ tuần tra của CSGT phát hiện xe tải này chạy tốc độ cao, bóp còi bất thường và nghi ngờ mất thắng nhưng do đang đi ngược chiều nên không ra hiệu lệnh dừng xe, không truy đuổi.
Tài xế yếu tay nghề
Chiều 8-5, người thân ở thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã tiễn đưa anh Đặng Duy Phúc (23 tuổi) về nơi an nghỉ. Anh Phúc là phụ xe tải trong vụ tai nạn thảm khốc ở tỉnh Gia Lai.
Cách nhà anh Phúc không xa, nhiều người trong gia đình tài xế Võ Văn Quý cũng lo âu tột độ vì anh Quý bị thương nặng. Anh Quý có vợ làm nghề thợ may và 2 con trai (đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi).
Theo nhiều người dân địa phương, trước đây anh Quý phụ xe tải. Đầu năm 2017, anh Quý về quê xin việc nhưng tay nghề yếu nên nhiều chủ xe không nhận. Cuối tháng 3, anh Quý được bà Trần Kim Chung (ngụ thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) nhận làm tài xế xe tải thùng biển kiểm soát 77C-139.37 chạy hàng từ cảng Quy Nhơn đi Tây Nguyên.
Một người bạn thân của anh Quý khẳng định anh Quý không nghiện ngập, chỉ hơi lạ là gần nhà có trường dạy lái ô tô mà không học, phải vào tận TP HCM. Chẳng hiểu học kiểu gì mà nhận bằng lái rồi tay nghề vẫn yếu.
Ông Trần Văn Ơi, Phó chánh Thanh tra giao thông tỉnh Bình Định, cho biết chiếc xe tải biển kiểm soát 77C-139.37 chưa được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Xe này vừa đăng ký tại Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định vào ngày 27-3, nguồn gốc từ tỉnh Thanh Hóa. Xe mang nhãn hiệu Chenglong, sản xuất năm 2014, trọng tải cho phép 16,2 tấn, đăng kiểm ngày 17-1 và còn trong thời hạn kiểm định. Chủ xe là bà Trần Kim Chung.
Cũng theo ông Ơi, tài xế Quý được Sở GTVT TP HCM cấp giấy phép lái xe hạng C vào năm 2016. "Xe chưa được cấp giấy phép kinh doanh vận tải mà hoạt động vận chuyển hàng hóa như vậy là sai quy định" - ông Ơi khẳng định.
Dừng kiểm tra vì thiếu kinh phí
Trong năm 2013 và 2014, tỉnh Đắk Lắk thí điểm thành lập đoàn liên ngành kiểm tra ma túy đối với tài xế xe khách và xe tải đường dài. Qua triển khai 2 đợt, phát hiện 13 trường hợp dương tính với chất ma túy. Tuy nhiên, sau thí điểm, tỉnh Đắk Lắk không triển khai nữa do thiếu nhân lực, kinh phí trong khi hiệu quả không cao. Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng CSGT tuần tra không thể phát hiện để xử lý tài xế sử dụng ma túy trong lúc lái xe do đơn vị không có chuyên môn, thiết bị, thẩm quyền kiểm tra chất ma túy. C.Nguyên
Bình luận (0)