Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex)”, đồng thời chuyển hồ sơ tới VKSND Tối cao đề nghị truy tố 9 bị can.
Kết quả điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định năm 2004, HĐQT Công ty Vinaconex gồm các ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân - nguyên tổng giám đốc; Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên khi thực hiện vai trò nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình…
Dù nhận định việc làm của các thành viên HĐQT Vinaconex có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 Bộ Luật Hình sự” song kết luận điều tra lại gây bất ngờ. Cụ thể, liên ngành tư pháp trung ương xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật của thành viên HĐQT Vinaconex.
Lý do đưa ra là trong quá trình điều tra, những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với CQĐT để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng. Mặt khác, kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi; người chịu trách nhiệm chính trong các quyết định trái pháp luật của HĐQT nêu trên là ông Nguyễn Văn Tuân đã mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, trong đó có xem xét để giảm nhẹ tội với đối tượng có nhân thân tốt. Ông Trần Quốc Thuận cũng cho biết theo kết luận của cơ quan điều tra, từ tháng 2-2012 đến tháng 9-2015, tuyến đường ống nước sạch Sông Đà bị vỡ 14 lần khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỉ đồng để khắc phục sự cố. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng.
“Việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả vỡ đường ống nước tới nay là 18 lần, thiệt hại rất lớn như vậy thì không ai có thể bỏ qua được. Rủi ro có thể là 1 lần hay 2 lần nhưng “rút kinh nghiệm” đến 18 lần thì làm sao ai có thể nghe được” - ông Thuận nói. Luật sư Trần Quốc Thuận cũng đề nghị các cơ quan tố tụng nếu phát hiện sai phạm cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những hành vi vi phạm cho dù người đó là ai và ở cương vị nào.
Bà Bùi Thị An, đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XIII đoàn TP Hà Nội, cho rằng giữa nhân thân tốt và xử lý trách nhiệm do vi phạm pháp luật là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. “Thân nhân của anh tốt, anh có cống hiến cho ngành, cho đất nước là một chuyện và đó chỉ là căn cứ để có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt. Nhưng anh vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm. Nếu không xử lý nghiêm những trường hợp như vậy thì không bao giờ có thể xử lý theo luật được” - bà An nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nêu rõ: Xử lý trách nhiệm của những người liên quan đến các vụ việc tiêu cực, tham nhũng thì không phân biệt chức vụ to hay nhỏ. “Chức vụ càng to thì phải quy trách nhiệm càng lớn mới đúng vì anh càng làm lớn thì trách nhiệm, trình độ năng lực, hiểu biết càng cao mà anh vẫn còn để vi phạm thì phải xử lý nghiêm hơn so với người thường” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền bình luận.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền còn cho rằng chỉ có tòa án mới có quyền quyết định khoan hồng, giảm nhẹ. Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là nếu có dấu hiệu phạm tội, phải cung cấp cho tòa để toàn quyền xử lý chứ lại kết luận luôn là không đúng.
Bình luận (0)