Ông Võ Đình Minh (SN 1957, ngụ đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là chủ doanh nghiệp chuyên chế tạo xe máy, xe lăn dành cho người khuyết tật. Khoảng 10 năm qua, doanh nghiệp của ông đã chế tạo hơn 500 xe máy, xe lăn có chức năng de (lùi) và leo cầu thang cho người khuyết tật trên cả nước. Để có được những thành quả đó, người đàn ông “tàn nhưng không phế” này đã trải qua nhiều thăng trầm thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.
Tuổi thơ nhọc nhằn
Võ Đình Minh sinh ra trong gia đình nghèo, đông con ở xứ dừa của tỉnh Bình Định là xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. Năm lên ba, một trận sốt khiến đôi chân của Minh bại liệt. Thương con, gia đình đã bán cả vườn dừa hàng ngàn cây để chữa chạy nhưng Minh vẫn không thể nào đứng lên được bằng đôi chân của mình.
Không còn đất sản xuất, cả nhà đưa nhau đến TP Quy Nhơn kiếm kế sinh nhai. Gia cảnh khó khăn, đôi chân dặt dẹo nhưng Minh vẫn cố gắng theo học với bạn bè. Lên đến lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ), mặc dù học khá giỏi nhưng Minh phải bỏ giấc mơ theo con chữ để tìm kế mưu sinh vì gia cảnh quá khó khăn.
Nghỉ học, Võ Đình Minh vào TP HCM học nghề sửa chữa điện tử. Dù tốt nghiệp thợ loại giỏi nhưng nhìn thấy đôi chân khuyết tật của Minh, không cơ sở nào chịu nhận vào làm việc. Bí đường, Minh quay về TP Quy Nhơn làm thuê ở một tiệm điện tử. Thế nhưng, vận đen lại ập đến khi chủ tiệm bị tai nạn chết. Tiệm đóng cửa, người thanh niên tật nguyền lại thất nghiệp.
Không tìm được việc với nghề đã học, Minh chuyển sang làm thợ cắt khóa, sửa máy, rồi thợ “đụng” - tức đụng gì làm nấy. Thế nhưng, nghề nào cũng trầy trật, không đủ kiếm cơm qua ngày. “Tôi sống cực khổ từ nhỏ nên thất bại đến với mình riết rồi thành quen. Cứ mỗi lần thất bại là tôi làm lại từ đầu, không bao giờ nản chí” - ông Minh chia sẻ.
Năm 1986, Võ Đình Minh lập gia đình. Trong lúc vợ chồng chưa tìm được việc làm ổn định thì đứa con trai ra đời. Khó khăn càng chồng chất. Để có phương tiện đi lại tìm việc làm, Minh thuyết phục vợ bán đôi nhẫn cưới là tài sản duy nhất của gia đình để mua chiếc xe gắn máy cà tàng. Tiếp đó, ông mua một số phụ tùng là đồ phế liệu đem về cùng với người bạn làm nghề thợ hàn cặm cụi lắp ráp, chế tạo. Gần một tháng trời miệt mài với đống phế liệu, chiếc xe máy ba bánh trong mơ của ông cũng ra đời.
Giúp người cùng cảnh ngộ
Có chiếc xe máy ba bánh hằng ngày đưa vợ đi làm, chở con đi học, ông rất mãn nguyện. Thế nhưng, trong một lần đưa con đi học mà nhà trong hẻm nhỏ, lúc đó lại không có ai trợ giúp nên chiếc xe ba bánh không thể quay đầu được khiến đứa con trễ học. Đứa con hồn nhiên trách: “Sao ba không làm chiếc xe lui được để đi lại cho dễ?”. Câu nói của con khiến ông trăn trở, quyết tâm cải tạo chiếc xe lùi cho bằng được.
“Ngày hôm sau, tôi giấu vợ đi lùng mua một máy xe cũ về tháo ra nghiên cứu. Hết ngày nọ qua ngày kia rồi tôi cũng phát hiện nếu đảo nhông, điều chỉnh một số chi tiết thì xe sẽ lùi được. Vậy là sau khi tháo ra, lắp vô vài chục lần, chiếc xe máy chạy tới được đã đành mà chạy lui cũng ngon trớn. Thấy chiếc xe de được, vợ con tôi vui lắm. Sau đó, tôi tiếp tục cải tạo, hoàn thiện chiếc xe thật ưng ý để đi. Đến năm 2000, tôi chế tạo hoàn chỉnh hộp số lùi dành cho chiếc xe máy của mình” - ông Minh kể.
Lúc đầu, ông chỉ nghĩ đơn giản rằng việc cải tiến chiếc xe máy của mình de được chỉ là để nhằm phục vụ bản thân đi lại cho tiện. Thế nhưng, khoảng tháng 10-2002, có một người ở tỉnh Quảng Bình vào TP Quy Nhơn tình cờ nhìn thấy chiếc xe ông đang đi trên phố có kiểu dáng đẹp, lại lùi được nên hỏi mua. Nghĩ họ không nói ra nhưng chắc gia đình cũng có người khuyết tật nên ông đồng ý bán. Và đây là chiếc xe có số de đầu tiên của ông được bán ra thị trường. Từ đó, ông chuyển luôn sang chuyên “độ” xe cho người khuyết tật.
Biến chiếc xe máy có thể lùi được đã đưa ông Minh đến với nhiều hội nghị điển hình dành cho người khuyết tật trong toàn quốc. Đầu năm 2003, trong lúc cùng mọi người trầy trật leo lên tầng 5 của tòa nhà để dự hội thảo dành cho người khuyết tật tổ chức tại tỉnh Phú Yên, ông Minh nảy sinh ý tưởng làm một chiếc xe leo cầu thang. Sau chuyến đi đó, ông về nhà mày mò và chỉ vài tháng sau đã chế tạo thành công chiếc xe leo lầu.
Cuối tháng 10-2005, đoàn cổ động ủng hộ Paragames 23 đi qua tỉnh Bình Định thì được ông Minh tháp tùng ra miền Bắc. Sau chuyến đi đó, đơn đặt hàng xe máy có số de đến với ông tới tấp. Mặc dù cầu vượt cung nhưng không vì thế mà ông làm giá với những người cùng cảnh ngộ, vẫn lấy giá cũ từ 4-8 triệu đồng/chiếc (tùy loại xe). Một mình lo không xuể, ông quyết định thành lập doanh nghiệp rồi nhận hơn 10 người cùng cảnh ngộ vào phụ làm với thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Không chỉ chế tạo số lùi cho xe máy, ông Minh còn chế tạo cả số lùi cho xe điện, bộ vận hành cho xe lắc tay… dành cho người khuyết tật, người bị tai biến. “Cơ sở của tôi hiện khoảng 100 m2, chưa đủ đáp ứng quy mô sản xuất theo đơn đặt hàng cho người khuyết tật. Mong sao địa phương tạo điều kiện cho tôi thuê miếng đất rộng hơn để sản xuất” - ông Minh ao ước.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4
Kỳ tới: Học vấn lớp 5 vẫn làm rô bốt
Nhiều giải thưởng giá trị
Nhờ những sáng chế hữu ích, ông Võ Đình Minh đã nhận được nhiều giải thưởng giá trị từ các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định, giải Chiến thắng nỗi đau do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết hợp cùng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, ông còn được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đăng ký quyền sở hữu trí tuệ những sản phẩm sáng chế ứng dụng cho xe gắn máy phục vụ người khuyết tật…
Bình luận (0)