Ngày 5-11, dòng người vẫn lặng lẽ về ngôi nhà sàn ở trung tâm Khu Du lịch Bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk) để viếng vua săn voi Ama Kông - nơi ông được sinh ra và lớn lên, cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 3-11.
Ama Kông thổi tù và phục vụ du khách tham quan ngôi nhà của ông (Ảnh do gia đình cung cấp)
Những cuộc rượt đuổi kỳ thú
Trong ký ức của già Y Ket H’ra vẫn còn nguyên vẹn những cuộc rượt đuổi voi rừng do Ama Kông làm trưởng đoàn. Già H’ra kể: “Trước khi vào rừng săn voi, Ama Kông đã triệu tập khoảng 15 con voi nhà, chủ yếu là voi đực đang sung sức và khoảng 20-30 thợ săn trong làng. Số voi này được chia thành 3 tốp: tấn công, kiềm chế, đuổi bắt. Vật dụng trong các chuyến săn voi là dây da trâu, dùi sắt, sào tre nhọn, áo quần bảo vệ”…
Cuối năm 1970, trong một lần đi săn, khi phát hiện đàn voi rừng, Ama Kông ra hiệu dàn đội hình. Khi tín hiệu tù và nổi lên, 5 con voi nhà của tốp tấn công xông lên, tấn công con đầu đàn để chia tách chúng. Năm người thợ săn ngồi trên voi nhà dùng dùi sắt, sào tre nhọn để hỗ trợ voi nhà. Những người khác hò reo, đánh chiêng trống và thổi tù và thật to làm náo loạn cả khu rừng. Khi voi rừng đầu đàn có dấu hiệu thua trận, chúng gầm rú dữ dội ra hiệu cho cả đàn tháo chạy tán loạn.
Ama Kông liền thổi tiếp một hồi tù và để 3 trong số 5 con voi nhà tốp kiềm chế lao vào bao vây voi mẹ, 2 con còn lại tách voi con ra một hướng. Lúc này, Ama Kông nổi tiếp một hồi tù và thứ 3, cùng lúc 5 con voi nhà tốp đuổi bắt lao vào bao vây làm voi con hoảng loạn. Một lát sau, khi voi con thấm mệt, Ama Kông liền quăng sợi dây thòng lọng vào chân nó, cả đoàn dùng voi nhà áp giải voi con về buôn.
Không chỉ có tài săn bắt voi, Ama Kông còn là người thuần dưỡng voi rừng có tiếng. Voi rừng bắt về sẽ được thuần dưỡng trong khoảng 5 - 7 tháng, con nào khó tính có thể kéo dài vài năm. Nhưng đối với Ama Kông, thời gian thuần dưỡng voi rừng chỉ khoảng 4 tháng.
Thuần phục 298 voi rừng
Thời niên thiếu, Ama Kông sớm bộc lộ tư chất của thủ lĩnh săn voi. Năm 13 tuổi, ông được dẫn đi săn với vai trò thợ phụ và nấu ăn cho cả đoàn. Bốn năm sau, ông được giao làm thợ chính. Trong lần đầu tiên làm “chủ công”, ông săn được 5 con voi, trở thành người trẻ nhất trong buôn bắt được nhiều voi rừng trong một chuyến đi. Danh hiệu cao quý của nghề đi săn voi là Gru (dũng sĩ săn được 30 con voi) cũng được ông chinh phục sau đó không lâu.
Theo nhiều Gru, voi trắng khó bắt nhất bởi nó rất hiếm và tinh khôn. Nhiều người cả đời đi săn chỉ mong bắt được một con voi trắng cho thỏa chí. Thế nhưng, Ama Kông đã từng bắt và thuần dưỡng được 3 con voi trắng. Ông Y Xuyên Knul, một thợ săn voi ở Bản Đôn, cho biết đã nhiều lần theo Ama Kông vào rừng bắt voi. Có nhiều đoàn cùng đi nhưng chỉ đoàn của Ama Kông bắt được voi.
Từ năm 1926 đến năm 1982, Ama Kông đã bắt được tổng cộng 298 con voi rừng, một kỷ lục không ai vượt qua. Tài săn bắt voi của Ama Kông nổi tiếng khắp vùng, ngay cả vua Bảo Đại mỗi lần có dịp lên Tây Nguyên cũng đi săn với ông. Ama Kông cũng nhiều lần tặng voi cho vua Thái, vua Lào. Trong kháng chiến chống Mỹ, Ama Kông đã đưa voi đi chuyên chở lương thực, đạn dược phục vụ cách mạng. Ama Kông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng giấy khen và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
Người tìm ra phương thuốc quý Trong những chuyến săn voi, Ama Kông đã tìm ra một phương thuốc có công hiệu bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực mà sau này mang tên ông. Thuốc Ama Kông nổi tiếng cả nước, du khách mỗi lần đến Buôn Đôn nói riêng và Đắk Lắk nói chung, cũng tìm mua cho được ít thang thuốc này về làm quà. Ông Ama Su May, người thừa kế phương thuốc Ama Kông, cho biết: “Bài thuốc Ama Kông đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận y khoa, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ”. |
Bình luận (0)