Những ngày qua, không khí tang thương vẫn bao trùm gia đình anh Đào Sỹ Hùng (ngụ xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), một trong 7 người Việt tử nạn trên biển khi vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan.
Trước đó, ngày 6-7, tro cốt của anh Đào Sỹ Hùng được đưa về gia đình. Chị Hồ Thị Tiếp, vợ anh Hùng, nức nở bên bàn thờ chồng. Chị cho biết anh Hùng được một người môi giới ở Bắc Giang hứa giúp đưa sang Trung Quốc rồi từ đây sang Đài Loan làm việc. Chi phí gia đình phải trả cho chuyến vượt biên đi làm chui này là 40 triệu đồng. Cuối tháng 2, anh Hùng được đưa ra Bắc Giang để sang Trung Quốc. Từ đó trở đi chị bặt tin chồng cho đến khi hay tin anh tử nạn.
Trong số 7 người Việt tử nạn, ngoài anh Hùng còn có 2 lao động ở Quảng Bình, Hải Dương và 4 lao động ở Nghệ An. Đến ngày 10-7, tro cốt một số nạn nhân vẫn chưa được đưa về nước. Bà Trần Thị Trâm (mẹ nạn nhân Lưu Xuân Hoàng; ngụ xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) xót xa: "Nhà nghèo nên tôi vay mượn tiền lo cho con ra nước ngoài, ai ngờ con bỏ mạng ở đất người. Chồng tôi phải sang Trung Quốc làm thủ tục đưa thi thể con về nước".
Những năm qua, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… là những địa phương có đông lao động sang Trung Quốc để làm việc trái phép hoặc từ nước này tìm cách sang quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Bà Trần Thị Trâm, mẹ nạn nhân Lưu Xuân Hoàng, đau buồn vì mất con Ảnh: ĐỨC NGỌC
Tại Thanh Hóa, theo số liệu của Công an tỉnh, tổng số người xuất cảnh trái phép qua Trung Quốc từ trước đến nay lên đến 13.639 người. Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, Phó trưởng Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Thanh Hóa, xác nhận đến nay đã có 26 người sang Trung Quốc làm chui tử vong; nhiều người mất tích, biệt tích (vì đi nhiều năm không có hồi âm). Bên cạnh đó có 23 người bị phía Trung Quốc đưa ra xét xử, gần 2.300 người bị bắt giam, sau đó trục xuất. "Giữa nước ta và Trung Quốc chưa có hợp tác về lao động nên rủi ro rất cao, không những bị truy quét, bắt giam mà còn có thể bị đối xử thô bạo; bị các tổ chức tội phạm lợi dụng vào nhiều hoạt động vi phạm pháp luật; bị lừa đưa đi lao động khổ sai dẫn tới chết người, biệt tích…" - thượng tá Sáng cảnh báo.
Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, cũng khuyến cáo người dân không nên nghe theo lời dụ dỗ của "cò mồi" sang Trung Quốc hoặc đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác làm chui. Theo ông Dương, vụ việc 7 lao động Việt chết do vượt biên làm chui từ Trung Quốc hay hàng loạt trường hợp lao động bị bắn chết, tử vong do bệnh tật ở Angola… là những bài học cảnh tỉnh cho các gia đình.
Bình luận (0)