Bên cạnh những “điểm nóng” kẹt xe trên xa lộ Hà Nội (cửa ngõ Đông Bắc TPHCM) như cầu Rạch Chiếc, ngã tư RMK, nhiều ngày qua, lưu lượng xe qua ngã tư Thủ Đức, ngã tư Bình Thái đột ngột tăng cao khiến việc lưu thông qua các “nút thắt” này hết sức khó khăn vì ùn ứ kéo dài.
Người và xe máy nhích từng tí một qua khu vực cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Tấn Thạnh
Kẹt xe liên tục, kéo dài
Sáng 9-3, trên xa lộ Hà Nội, hướng từ cầu Rạch Chiếc đến trạm 2, xe tải và ô tô nối đuôi nhau chờ thành hàng dài khoảng 600 m, từ trạm xăng dầu Ngọc Điệp đến ngã tư Thủ Đức. Dòng xe máy chen chúc nhau, len lỏi chạy vào phần lề đường lởm chởm đá cục.
Ông Nguyễn Văn An, chạy xe ôm tại ngã tư Thủ Đức, cho biết: “Mấy ngày nay kẹt xe dữ lắm, xe máy còn có thể len lỏi mà thoát được chứ ô tô, xe container thì xếp hàng chờ. Mỗi ngày 2 lần, sáng và chiều, nhìn người ta đi mà mình thấy cực khổ vô cùng”.
Dòng xe máy tại ngã ba Đặng Văn Bi – Nguyễn Văn Bá (khu vực ngã tư Bình Thái) cũng đấu đầu nhau và căng thẳng không kém khu vực ngã tư Thủ Đức. Tại đây, “lô cốt” của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn án ngữ phân nửa con đường khiến giao lộ này bị thắt cổ chai, mặt đường chỉ còn lại 3 m cho xe lưu thông.
Trung tá Phạm Văn Tuyến, Đội phó Đội CSGT Rạch Chiếc, xác nhận lưu lượng xe cộ tăng đột biến từ đầu tuần này tại ngã tư Thủ Đức khiến khu vực trên bị ùn ứ. Dù đã tăng cường CSGT điều tiết tại khu vực trên nhưng vào giờ cao điểm, từ 7 giờ - 8 giờ, 11 giờ - 12 giờ 30 phút và 16 giờ 30 phút – 18 giờ, kẹt xe vẫn không thể tránh khỏi.
Nguyên nhân do ô tô bị cấm lưu thông trên đường Nguyễn Văn Bá, đoạn từ Đặng Văn Bi đến ngã tư Bình Thái để Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn thi công hạng mục lắp đặt tuy-nen thuộc công trình xây dựng phân đoạn tuyến ống truyền tải nước sạch D2400 mm Thủ Đức – Bình Thái trên đường Nguyễn Văn Bá.
Vì vậy, ô tô muốn đi vào trung tâm quận Thủ Đức buộc phải đi đến ngã tư Thủ Đức rồi rẽ trái, dẫn đến tình trạng dồn cục tại khu vực này.
Ngoài ra, lưu lượng xe cộ trên đường Lê Văn Việt (quận 9) băng qua đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) rất lớn nhưng do thời gian dừng chờ đèn tín hiệu quá dài nên cũng dẫn đến tình trạng kẹt xe trên hai tuyến đường này.
Mở rộng cầu, dời trạm xe buýt
Phương án dùng cầu phao qua sông (lợi thế là xe hai bánh không phải đi vòng) không bảo đảm an toàn nên đã bị Sở GTVT gác lại. |
Từ khi Sở GTVT cho đóng cầu Rạch Chiếc (nhánh giữa), toàn bộ xe hai bánh đi qua khu vực này phải đi vào đường tạm hình chữ U dưới dạ cầu mới.
Giao thông khu vực này bị ùn ứ vào giờ cao điểm sáng, chiều do lượng xe quá đông trong khi đường tạm lại khá hẹp và vòng vèo.
Những lúc xảy ra tình trạng ùn ứ, Sở GTVT cho xe hai bánh đi lên cầu mới để giải tỏa áp lực giao thông đồng thời tìm phương án giảm kẹt xe căn cơ cho khu vực này.
Chiều 9-3, Sở GTVT cho biết đã chọn phương án mở rộng cầu sắt để tăng diện tích đường dành cho lưu thông. Mỗi cầu sắt sẽ được mở rộng thêm từ 3 m-4 m, nâng chiều rộng lên thành 7 m - 8 m.
Hiện tại, đơn vị tư vấn thiết kế đang hoàn thiện biện pháp kỹ thuật để có thể nhanh tiến hành mở rộng cầu. Diện tích phần đường tạm hình chữ U vẫn giữ nguyên.
Dòng xe bị nghẽn trên xa lộ Hà Nội đoạn ngã tư Thủ Đức. Ảnh: Ánh Nguyệt
Tại ngã tư Thủ Đức và ngã tư Bình Thái, tuy khu vực này chỉ kẹt xe cục bộ nhưng có tính chất cấp bách. Trung tá Phạm Văn Tuyến cho biết Đội CSGT Rạch Chiếc đã kiến nghị một số giải pháp như mở rộng bán kính cong tại ngã tư Thủ Đức (bị vướng ống nước), dời trạm xe buýt ngay cây xăng Tân Hiệp (cách ngã tư Thủ Đức 50 m), đồng thời tăng cường phân luồng từ xa để xe cộ có hướng đi hợp lý hơn.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT, “lô cốt” trên đường Nguyễn Văn Bá sẽ tồn tại đến ngày 23-3, như vậy dự báo trong thời gian tới, tình trạng giao thông ở nhiều điểm trên xa lộ Hà Nội vẫn tiếp tục căng thẳng.
Bình luận (0)